VNG đã xây dựng được ứng dụng Zalo với hơn 62 triệu người dùng và đang nhắm mục tiêu cao hơn nữa.

Báo Nhật viết về Zalo và việc kỳ lân đầu tiên của Việt Nam đặt cược vào AI, tăng trưởng ở nước ngoài

Nhân Hoàng | 30/04/2021, 08:35

VNG đã xây dựng được ứng dụng Zalo với hơn 62 triệu người dùng và đang nhắm mục tiêu cao hơn nữa.

Vào một buổi chiều mờ mịt ở TP.HCM, Vương Quang Khải vừa lên chiếc SUV (ô tô thể thao) nhỏ gọn để giới thiệu với PV trang Nikkei (Nhật Bản) về Kiki, trợ lý giọng nói thông minh nhân tạo của công ty ông là VNG.

Ông Vương Quang Khải là Phó tổng giám đốc VNG, tập đoàn công nghệ khởi nghiệp về game đã trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam. Nhà khoa học máy tính từng tu nghiệp tại Đại học Columbia (Mỹ) cũng đứng đầu Zalo AI, bộ phận của VNG đã phát triển Kiki, mà ông muốn giới thiệu.

"Hãy chơi nhạc của Taylor Swift", ông Vương Quang Khải nói bằng tiếng Việt, lái ô tô qua một cộng đồng đã được lên kế hoạch là nơi sinh sống của các triệu phú trên đường đến trụ sở rộng lớn của công ty. Bảng đồng hồ sáng lên. Một giai điệu bắt đầu vang lên ("Rất vui được gặp bạn/Bạn đã ở đâu?").

Kiki cũng cập nhật các sự kiện hiện tại. Khi được hỏi ai là Thủ tướng Việt Nam, Kiki trả lời chính xác là ông Phạm Minh Chính.

Trợ lý ảo là một phần trong nỗ lực thúc đẩy AI của VNG, động thái mà ông Khải nói là cần thiết cho tương lai của công ty.

"Nếu không theo kịp làn sóng tiếp theo, chúng tôi có thể trở thành người ngoài cuộc", ông Khải nói.

Trong một thập kỷ rưỡi qua, VNG đã đa dạng hóa sang lĩnh vực điện toán đám mây, quảng cáo, thanh toán kỹ thuật số và phương tiện truyền thông, đồng thời xây dựng một trong những cơ sở người dùng kỹ thuật số lớn nhất Việt Nam.

Ứng dụng Zalo của VNG có hơn 62 triệu người dùng, chỉ xếp sau Facebook và YouTube về mức độ phổ biến ở Việt Nam, theo We Are Social. Điều này khiến Zalo trở thành một ví dụ hiếm hoi về một công ty trong nước đã vượt qua các đối thủ nước ngoài. Ở phần còn lại của Đông Nam Á, các ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất là hàng nhập khẩu, chẳng hạn Line hoặc WhatsApp.

Zalo được coi là ứng cử viên nhiều tiềm năng nhất của Việt Nam thành "siêu ứng dụng", giống như Grab và Gojek, hai ứng dụng gọi xe hiện cung cấp đủ các dịch vụ cho người dùng trên khắp Đông Nam Á.

Khi được hỏi về siêu ứng dụng, Vương Quang Khải - người được xem là đứng sau sự thành công của Zalo - cho biết ông không có ý định để Zalo trở thành "người gác cổng" quyết định ai có thể vào thị trường rộng lớn ở Việt Nam.

Ông Khải cho rằng Zalo chỉ nên trở thành một siêu ứng dụng nếu đó là thứ tốt nhất cho người dùng và việc thêm quá nhiều chức năng có thể khiến nó khó sử dụng.

"Nếu bạn muốn là tất cả thì bạn có thể không là gì cả", ông Khải nói khi ngồi trên sân thượng đầy cỏ tại trụ sở của VNG khi mặt trời lặn.

Ông Khải lập luận rằng, bên ngoài Trung Quốc, không nơi nào có một ứng dụng thực sự thống trị. Tuy nhiên, nếu có ứng dụng công nghệ đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam thì đó chính là Zalo.

Zalo có 39 chức năng (khi kết hợp với tính năng trả tiền) cho phép người dùng thực hiện đủ thứ từ mua hàng tại cửa hàng, mua vé máy bay đến thanh toán học phí và truy cập các dịch vụ của chính phủ. Zalo cũng là một cửa ngõ để nhiều thương hiệu kết nối với khách hàng. Ví dụ, VNG đã đạt được thỏa thuận phân bổ một nút cho công ty giao đồ ăn Baemin (Hàn Quốc).

Dù có ý kiến ​​trái chiều về việc Zalo trở thành siêu ứng dụng, ông Khải vẫn kiên quyết với một điều: "Làn sóng tiếp theo là AI (trí tuệ nhân tạo – PV) và chúng ta nên đầu tư".

bao-nhat-viet-ve-zalo-va-ky-lan-dau-tien-cua-viet-nam-dat-cuoc-vao-ai2.jpg
Ông Vương Quang Khải tại TP.HCM vào tháng 4.2021 - ảnh: Nikkei

Tháng 12.2020, Zalo AI đã giới thiệu Kiki cho loa thông minh, cho biết nó được xây dựng dựa trên công nghệ tương tự như Alexa của Amazon và Siri của Apple, nhưng bằng tiếng Việt.

Zalo đang đàm phán với một công ty hàng đầu về bảng điều khiển, mà ông Khải từ chối nêu tên, để công bố Kiki cho thị trường ô tô phổ thông vào quý 3/2021.

Phạm vi công việc AI của nhóm ông Khải từ nhận dạng khuôn mặt (được Viet Capital Bank sử dụng để xác minh khách hàng) đến danh sách phát của Kiki (được đào tạo thông qua thư viện bài hát khổng lồ của một doanh nghiệp VNG khác là Zing MP3). Nhóm cũng đang thử nghiệm phiên bản beta một dịch vụ ghi âm các tin nhắn âm thanh trên Zalo Chat.

Khả năng tiếp cận của Zalo đã giúp VNG thu hút những nhà đầu tư quốc tế, bao gồm Temasek và GIC (hai quỹ nhà nước của Singapore), Goldman Sachs (ngân hàng đầu tư đa quốc gia ở Mỹ) và hai quỹ được cho là thuộc sở hữu của Tencent Holdings (Trung Quốc).

Tencent, nhà phát hành game lớn nhất thế giới và tạo ra WeChat, cũng có mối quan hệ khác với VNG. Cụ thể là Chủ tịch Tencent - Martin Lau có ghế trong hội đồng quản trị của VNG. Theo trang Nikkei, VNG cũng trả tiền cho Tencent về phần mềm và dịch vụ kỹ thuật.

VNG dự định niêm yết cổ phiếu của mình trên sàn Nasdaq, mặc dù IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng) vẫn chưa thành hiện thực. Điều đáng nói là VNG từng ký một bản ghi nhớ với nhà điều hành sàn giao dịch chứng khoán này để chuẩn bị cho đợt IPO vào năm 2017 khi người sáng lập VNG – ông Lê Hồng Minh bay đến New York (Mỹ).

Trong khi VNG không thiếu tham vọng, Giảng viên tài chính Tuấn Hồ ở Đại học Bristol (Anh) cho biết các nhà đầu tư hiện tại và tương lai sẽ muốn xem liệu các khoản đầu tư của chính VNG có thành công hay không. Theo trang Nikkei, VNG đã đổ hàng triệu USD vào thanh toán điện tử và thương mại điện tử, vốn đã hoạt động thua lỗ trong nhiều năm.

Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể khai thác vào các lĩnh vực có thể mang lại lợi nhuận lớn hay không”, ông Tuấn Hồ nói.

Kể từ khi thành lập, VNG đã trở thành một tổ hợp gồm hơn 20 dịch vụ khác nhau, trong đó có fintech (công nghệ tài chính), đám mây, game và ứng dụng trò chuyện. Một số nền tảng của VNG thu được ít lực kéo, chẳng hạn như trang thương mại điện tử, mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của riêng nó. Hiện VNG chưa thể xin giấy phép ngân hàng để cung cấp các khoản vay hoặc các sản phẩm tài chính khác.

Theo trang Nikkei, hoạt động kinh doanh của VNG chồng chéo nhau theo ba cách.

Đầu tiên, có 39 tính năng trên Zalo và ZaloPay, cũng liên kết với Zalo Shop cho người bán bên thứ ba và Tiki (trang thương mại điện tử mà họ nắm giữ 22,27% cổ phần).

Thứ hai, các bộ phận của VNG chồng chéo nhau. Ban đầu, các game cần có máy chủ dữ liệu, sau này cả hai trở thành nguồn doanh thu lớn.

Thứ ba, đơn vị AI dựa trên các đơn vị khác, chẳng hạn như thực hiện nghiên cứu thông qua ZaloPay trước khi công bố dịch vụ xác minh khách hàng cho ngân hàng. Nó giống như Google cung cấp cho nghiên cứu máy học của mình với dữ liệu từ một dịch vụ hiện có là Google Photos.

bao-nhat-viet-ve-zalo-va-ky-lan-dau-tien-cua-viet-nam-dat-cuoc-vao-ai.jpg
Một nhân viên đi ngang qua bảng hiệu Zalo, bộ phận của VNG - ảnh: Nikkei

Trong khi Việt Nam có thể chờ đợi Google triển khai các dịch vụ dựa trên AI khác, ông Khải cho biết những ý tưởng tốt hơn đến từ sự cạnh tranh, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà VNG có thể có lợi thế. Chẳng hạn, việc phục vụ ngôn ngữ Việt Nam đã tạo nên sự thống trị của Zalo trong nước và làm nền tảng cho tính năng nhận dạng giọng nói của Kiki.

"Cái hay của cuộc sống là mọi người có những quan điểm khác nhau và cố gắng làm những điều khác biệt. Nếu mọi người đều làm giống nhau hoặc làm giống nhau thì rất nhàm chán. Công nghệ cũng vậy", ông Khải chia sẻ.

Song ngay cả khi hướng đến các công nghệ tương lai, VNG vẫn chưa tìm ra một động cơ lợi nhuận khác như game. Bộ phận này đóng góp 79,2% trong tổng doanh thu 6.000 tỉ đồng (262 triệu USD) được ghi nhận trong báo cáo tài chính năm 2020 của VNG.

VNG lên kế hoạch thăm dò thị trường di động giàu tiềm năng ở Ấn Độ, Nga, Mỹ Latinh. Còn ở Đông Nam Á, VNG cố cạnh tranh với Sea Group có trụ sở Singapore (sở hữu Shopee và nhà sản xuất game Garena).

Các con đường thu lợi nhuận khác của VNG là các dịch vụ business to business (hình thức buôn bán, kinh doanh, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp).

Nếu Chính phủ Việt Nam quy định các công ty lưu trữ dữ liệu trong nước, các trung tâm dữ liệu của VNG sẽ được hưởng lợi, đặt ra mối đe dọa với đối thủ nước ngoài như Amazon và Alibaba. Nguồn thu nhập lớn thứ hai của VNG là quảng cáo, chiếm 16,3% doanh thu công ty vào năm 2020, tăng từ 10,6% trong năm 2015.

VNG báo cáo lợi nhuận sau thuế là 193 tỉ đồng vào năm 2020.

Ở một khía cạnh nào đó, VNG đã phát triển song hành với Việt Nam. Năm 2004, đó là Vinagame, công ty khởi nghiệp nhỏ đầu tư vào sự phát triển của game máy tính và quán cà phê internet. Khi đó, Việt Nam chưa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ít được biết đến về thương mại.

Năm 2008, Vinagame đổi tên thương hiệu thành VNG Corporation và sau đó bổ sung một loạt các dịch vụ quan trọng với nền kinh tế hiện đại của Việt Nam như thanh toán, phát trực tuyến, điện toán đám mây, còn Zalo với tốc độ nhanh, sự ổn định và các sticker đã chiếm được cảm tình của người trong nước.

Thời gian qua, Việt Nam đã ký một loạt các thỏa thuận thương mại và có ngày càng nhiều nhà máy sản xuất điện thoại, chip.

Lập biểu đồ về giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của một công ty bắt nguồn bằng lĩnh vực game từ rất lâu hứa hẹn sẽ là thách thức. Ông Khải cố gắng truyền tải thông điệp về những thử thách như vậy.

Ông Khải nói: “Xây dựng các sản phẩm internet tương tự như việc leo núi. Lúc đầu nó thường không vui lắm và bạn rất mệt mỏi. Đôi khi bạn ghét chính mình. Nhưng cuối cùng, khi nhìn lại, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc".

Bài liên quan
Sáp nhập với công ty Mỹ, Grab được định giá  đến 40 tỉ USD: Hơn gấp đôi năm ngoái
Grab sắp công bố việc sáp nhập với công ty mua lại với mục đích đặc biệt của Altimeter Capitol (Mỹ) hôm 13.4. Qua đó sẽ định giá Grab ở mức gần 40 tỉ USD và niêm yết công khai ở Mỹ, 3 nguồn tin Reuters cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Nhật viết về Zalo và việc kỳ lân đầu tiên của Việt Nam đặt cược vào AI, tăng trưởng ở nước ngoài