Chỉ 30 - 40% doanh nghiệp thủy sản có khả năng hồi phục lại sản xuất ngay sau giãn cách xã hội, VASEP cho biết.
Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới cuối tháng 8 chỉ có khoảng 30 - 40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía nam hoạt động được "3 tại chỗ", khoảng 30 - 40% doanh nghiệp không đủ điều kiện "3 tại chỗ" đã phải ngừng sản xuất, số còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện phương án này.
Các doanh nghiệp cho biết, với những nhà máy thực hiện được phương án "3 tại chỗ" thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Do đó, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%.
Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất để tổ chức lại nhằm thực hiện "3 tại chỗ".
"Do nhiều địa phương thực hiện giãn cách quá lâu, công nhân, người lao động làm việc "3 tại chỗ" đã bắt đầu mệt mỏi và mong được về nhà. Do đó, các doanh nghiệp rất khó khăn nếu muốn tiếp tục thực hiện phương án này. Ngoài ra, việc thực hiện "3 tại chỗ" đã phát sinh rất nhiều chi phí trong khi công suất sản xuất giảm, các doanh nghiệp không thể tiếp tục trụ lâu thêm nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ", đại diện VASEP cho hay.
Theo kết quả khảo sát VASEP, chỉ có 30 - 40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị dứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển. Doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng.
Đại diện VASEP cũng cho rằng: Chủ trương của nhiều tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 cùng với việc chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch nên khả năng hồi phục sản xuất rất khó. Nếu việc tiếp tục giãn cách đến giữa tháng 9 thì nguy đứt chuỗi là rất cao và khả năng khó hồi phục lại sản xuất như bình thường.
Một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm cho biết nếu đơn vị được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách sau ngày 15.9 thì khả năng lấy được các đơn hàng cuối năm cũng rất hạn chế.