Bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học ở Việt Nam sẽ phản ánh lịch sử nền khoa học, lịch sử các ngành khoa học nước ta theo diễn trình lịch sử từ những năm đầu thế kỷ 20 trở đi kết hợp với các chuyên đề.

Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam vừa ra mắt có công năng gì?

P.V | 02/12/2021, 06:32

Bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học ở Việt Nam sẽ phản ánh lịch sử nền khoa học, lịch sử các ngành khoa học nước ta theo diễn trình lịch sử từ những năm đầu thế kỷ 20 trở đi kết hợp với các chuyên đề.

Sau 13 năm lưu trữ và bảo quản hàng trăm nghìn tài liệu hiện vật về cuộc đời các nhà khoa học Việt Nam, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) đã chính thức cho ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam vào 28.11.

Đây là bảo tàng đầu tiên về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam.  Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) cho biết, Bảo tàng được xây dựng trên cơ sở tư liệu mà Trung tâm đã bền bỉ và kiên trì thu thập trong hơn 13 năm hoạt động: 2000 phông lưu trữ cá nhân của các nhà khoa học, lưu giữ và bảo quản hơn 800.000 tài liệu hiện vật, 400.000 phút ghi âm và 150.000 phút ghi hình về cuộc đời của nhà khoa học thuộc 45 chuyên ngành. 

mrhuy.jpg

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học đã đưa ra câu hỏi không ít người băn khoăn về công năng của Viện bảo tàng và ông cũng tự trả lời. Ông Huy cho biết:

"Hẳn chúng ta sẽ băn khoăn và đặt câu hỏi: Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ thế nào, có nội dung gì và có tác dụng ra sao? Xin thưa, công việc của chúng tôi để biến từ mong ước thành một bảo tàng hiện thực còn rất nhiều và vô cùng gian nan. Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Tòa nhà chính thức của Bảo tàng sẽ được dày công nghiên cứu thiết kế và xây dựng trong thời gian tới để triển khai các trưng bày của bảo tàng. Đó sẽ phải là tòa nhà đẹp, hấp dẫn, hợp với cảnh quan, môi trường và tiện ích trong sử dụng cho các hoạt động của bảo tàng và công chúng.

Nội dung bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học ở Việt Nam sẽ phản ánh lịch sử nền khoa học, lịch sử các ngành khoa học nước ta theo diễn trình lịch sử từ những năm đầu thế kỷ 20 trở đi kết hợp với các chuyên đề. Bảo tàng này, sẽ giúp công chúng hiểu được trong tiến trình lịch sử khoa học khoảng 100 năm qua, đã hình thành nên những thế hệ các nhà khoa học Việt Nam với những đóng góp của họ cho khoa học và cho cuộc sống như thế nào.

Bằng các tài liệu, hiện vật, kết hợp với ký ức của/về các nhà khoa học là những nhân chứng đã trải qua các thời kỳ lịch sử, bảo tàng sẽ giới thiệu tới công chúng nhiều vấn đề của khoa học, chẳng hạn như: Sự xuất hiện, mở rộng, phát triển của các lĩnh vực, các ngành khoa học; Sự phát triển mỗi chuyên ngành khoa học gắn với những thành tựu khoa học và các nhà khoa học cụ thể ở mỗi thời kỳ; Sự vượt khó và sáng tạo của các nhà khoa học; Sự nỗ lực tự học nắm lấy tri thức của các nhà khoa học; Lao động khoa học..."

Về hướng hoạt động trong tương lai của Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ông Huy cho biết đây sẽ "không chỉ là nơi tham quan để hiểu về lịch sử khoa học, về các nhà khoa học, mà còn là nơi để tìm hiểu những giá trị, phẩm chất của các nhà khoa học, từ đó tạo niềm cảm hứng trong cuộc sống cho mỗi khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ. Đây cũng là nơi học tập và khám phá, bởi các tư liệu trưng bày cũng là sử liệu giúp cho những người quan tâm hiểu rõ hơn về lịch sử ngành, hoặc về các vấn đề khoa học. Đồng thời, đây là nơi khơi dậy tinh thần khoa học cùng niềm tự tôn khoa học của Việt Nam. Bảo tàng sẽ là một địa chỉ cùng với các điểm đến khác góp phần kích thích sự phát triển du lịch ở tỉnh Hòa Bình".

Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng cho biết: Song song với hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và phát huy di sản, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã được chuẩn bị cơ sở vật chất khá đầy đủ và hiện đại tại Công viên Di sản ở Cao Phong, Hòa Bình.

trung-bay.jpg
Một buổi trưng bày của trung tâm - Ảnh: Tạp chí Tia sáng

Cũng tại buổi lễ, Trung tâm đã tiếp nhận tài liệu hiện vật của nhà khoa học thứ 2000 – PGS.TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa IX (1992-1997), người đã có nhiều đóng góp xây dựng chính sách thuốc có giá trị xuyên suốt nhiều thập kỷ đối với ngành dược của Việt Nam, từ đó tạo cơ sở để Bộ Y tế ban hành các chủ trương, chiến lược và giải pháp để thúc đẩy công nghiệp dược trong nước, bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Văn Truyền đã công bố hàng trăm bài báo nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành, báo cáo tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Ông cũng là chủ nhiệm của nhiều đề tài nghiên cứu như “Tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc”, “Nâng cao chất lượng thuốc từ dược liệu” và là phó chủ nhiệm dự án “Phát triển sản xuất Artemisinin từ thanh hao hoa vàng” - công trình khoa học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam vừa ra mắt có công năng gì?