Bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác vẫn đổ mạnh vào bất động sản.

Bất chấp đại dịch COVID-19, dòng tiền vẫn đổ vào bất động sản

Bài và ảnh: Hồ Đông | 09/08/2021, 13:46

Bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác vẫn đổ mạnh vào bất động sản.

Bất động sản vẫn tăng trưởng khá

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh (tăng 44,8%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 831 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục duy trì thực hiện kế hoạch, mục tiêu lợi nhuận cao hơn năm 2020. Điển hình như trong năm 2021, Novaland có kế hoạch bàn giao 18 dự án gồm Saigon Royal Residence, The Grand Manhattan, Golden Mansion, Orchard Parkview… và nhiều dự án khác tại các tỉnh thành gồm Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 27.491 tỉ đồng, tăng 447% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế 4.100 tỉ đồng; tăng 5% so với năm 2020.

Tương tự, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 12.230 tỉ đồng, tăng 41% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.008 tỉ đồng. Để đạt kế hoạch kinh doanh trên, Vinaconex sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện và áp dụng các biện pháp đẩy mạnh công tác bán hàng tại Khu đô thị mới Cái Giá Cát Bà Amatina (Vinaconex ITC), dự án tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond số 93 Láng Hạ (Hà Nội), dự án khu đô thị đại lộ Hoà Bình (Quảng Ninh) kéo dài, khu đô thị mới Thiên Ân (Vinaconex 25)…

Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2021, bất động sản vẫn nằm trong nhóm một số ngành tăng trưởng khá. Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy thị trường bất động sản có được đà tăng trưởng từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng. Điều này làm tăng thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản khoảng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 9.500 tỉ đồng. Tính chung sau 7 tháng, số thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản đã đạt gần 25.000 tỉ đồng, tăng 62%.

Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng cao. Trong đó, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động này gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương với tăng khoảng 3.500 tỉ đồng.

thi-truong-bds-tphcm-anh-5(1).jpg
Thị trường bất động sản vẫn là ngành tăng trưởng khá dù ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19

Dòng tiền đổ mạnh vào bất động sản

Mặc dù tình hình dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường, tuy nhiên giới chuyên gia vẫn nhận định bất động sản vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu, đảm bảo tính an toàn và lợi nhuận.

Báo cáo thị trường mới đây của Batdongsan.com.vn cho thấy bất chấp những tác động tiêu cực nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, mức độ quan tâm tới bất động sản đang tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, đạt 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, sau COVID-19 đợt 1, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau COVID-19 đợt tăng 62%, sau đợt 3 tăng mạnh 378%.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng việc kinh tế đang phát triển, GDP vẫn có xu hướng tốt... là nền tảng tốt, là cơ hội cho bất động sản phát triển. Dù thị trường trong quý 3/2021 sẽ đối mặt với nhiều thách thức, song đến quý 4/2021 khả năng cao thị trường sẽ phục hồi nếu kế hoạch tiêm chủng vắc xin thành công như dự kiến.

Ông Quốc Anh cho biết căn hộ chung cư và nhà riêng lẻ vẫn là hai phân khúc có nhu cầu tìm kiếm cao nhất thị trường, nhất là loại hình chung cư trung cấp, bình dân, hướng đến phục vụ nhu cầu mua ở thực. Phân khúc nhà mặt phố cho thuê sẽ phải đối mặt với sự phục hồi chậm trong khi bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phải mất thêm một quý trầm lắng nữa để tiến tới tái khởi động và phục hồi.

Trong khi đó, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Việt Nam nhận định bất động sản vẫn là kênh đầu tư có sức hút riêng và một khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương có thể thu hút không chỉ đầu tư nội tỉnh mà còn các nhà đầu tư từ các địa phương khác cũng như quốc tế. Các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, cũng như các địa phương trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế sẽ vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Xét về phân khúc, bất động sản nhà ở vẫn luôn là kênh đầu tư dài hạn hấp dẫn, một trong những phương án đa dạng hóa kênh đầu tư của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông lưu ý nhà đầu tư vẫn cần lưu ý về việc cân nhắc giá trị của kênh đầu tư về dài hạn này. Chỉ trong điều kiện khu vực được đầu tư có tiềm năng phát triển thì khi đó đầu tư mới là một quyết định nên làm.

tt-bds-anh-4-tphcm-1.jpg
Dòng tiền từ các lĩnh vực, ngành nghề khác vẫn đổ mạnh vào bất động sản

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng trên thực tế, tổng tiền vào thị trường bất động sản lại tăng mạnh lên. Nguyên nhân là do một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác (chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu khác...) đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản tìm cơ hội. Điều này cho thấy bất động sản vẫn là một kênh đầu tư, một nơi trú ẩn có sức hút với dòng tiền.

Tuy nhiên, thị trường cũng tiềm ẩn nguy cơ thị trường phát triển thiếu bền vững bởi dòng tiền đầu tư, đầu cơ này chỉ muốn sinh lợi cao, nhanh và tìm cách cắt lỗ, tháo chạy khi thị trường nguy hiểm. Ông Đính nhận định kênh đầu tư bất động sản có phải là nơi trú ẩn an toàn của dòng tiền hay không phụ thuộc vào chính người tham gia thị trường ở việc trang bị kiến thức, kỹ năng để lựa chọn sản phẩm phù hợp với tài chính, nhu cầu.

Bài liên quan
TP.HCM yêu cầu không để xảy ra tình trạng sốt giá bất động sản
TP.HCM chỉ đạo quận, huyện theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến của thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá bất động sản trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất chấp đại dịch COVID-19, dòng tiền vẫn đổ vào bất động sản