Nếu một thỏa thuận đóng băng sản lượng toàn cầu giữa OPEC và các nước xuất khẩu ngoài OPEC không được thông qua tại hội nghị Vienna vào ngày 30.11 tới, thì thế giới sẽ phải chờ thêm ít nhất 6 tháng nữa mới có thể hy vọng nó diễn ra.

Bất đồng nội bộ OPEC đẩy giá dầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 1

Nhàn Đàm | 06/11/2016, 10:32

Nếu một thỏa thuận đóng băng sản lượng toàn cầu giữa OPEC và các nước xuất khẩu ngoài OPEC không được thông qua tại hội nghị Vienna vào ngày 30.11 tới, thì thế giới sẽ phải chờ thêm ít nhất 6 tháng nữa mới có thể hy vọng nó diễn ra.

Những diễn biến mới nhất trên thị trường dầu lửa thế giới đang đi ngược lại với sự kỳ vọng. Khi thỏa thuận đóng băng sản lượng toàn cầu do Tổ chức xuất khẩu dầu lửa quốc tế (OPEC) đang bị ngưng trệ và không nhận được sự tán đồng của các nước xuất khẩu ngoài OPEC, thì những bất đồng nghiêm trọng trong nội bộ tổ chức này đang đẩy giá dầu tụt dốc nhanh hơn bao giờ hết.

Trong tuần qua, giá dầu trên thị trường thế giới đã giảm tổng cộng hơn 9%, và là mức sụt giảm/tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 1 năm nay. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh OPEC tại Vienna vào ngày 30.11 – thời điểm quyết định việc tổ chức này có thuyết phục được các nước xuất khẩu ngoài OPEC chấp nhận tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng toàn cầu hay không. Nhưng, trước khi làm điều đó, OPEC cần giải quyết được sự bất đồng nội bộ đang ngày càng nghiêm trọng hơn giữa hai thành viên chủ chốt là Ả Rập Saudi và Iran.

Sự bất đồng về tỷ lệ cắt giảm sản lượng thỏa thuận giữa Ả Rập Saudi và Iran trong nội bộ OPEC đang ngày càng có dấu hiệu bị đấy đi xa hơn. Trong thỏa thuận sơ bộ giữa các thành viên trong tổ chức này tại cuộc họp ở Algerie cuối tháng 9 vừa qua, tổng sản lượng mà các nước OPEC phải cắt giảm khoảng 1,5-2 triệu thùng/ngày, từ mức 34,5 triệu thùng/ngày hiện nay xuống còn 32,5-33 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, việc phân bổ tỷ lệ cắt giảm trong nội bộ OPEC đã không nhận được sự đồng thuận. Điều này dẫn đến việc thỏa thuận cắt giảm sản lượng toàn cầu mà OPEC soạn thảo không thuyết phục được các nước xuất khẩu ngoài OPEC tham gia, bao gồm Nga, Azerbaijan, Kazakhstan, Mexico và Brazil tại cuộc gặp cách đây gần nửa tháng. Tuy nhiên, dù một thỏa thuận chung là chưa thể hoàn tất, thì điều này cũng mở ra hy vọng về việc có thể vực dậy giá dầu trong tương lai gần, ít nhất là sẽ không giảm thêm nữa.

Nhưng, tất cả đã thay đổi hoàn toàn. Giá dầu trên thị trường thế giới đã sụt tới hơn 9% chỉ trong vòng một tuần qua. Đó là kết quả của việc xung đột giữa Ả Rập Saudi và Iran đang ngày càng tai hại hơn. Theo hãng tin Reuters, trong cuộc họp nội bộ vào tuần trước, Ả Rập Saudi đe dọa sẽ nâng sản lượng của mình lên mức 11, thậm chí là 12 triệu thùng/ngày từ mức 10,7 triệu thùng/ngày hiện nay, để hạ giá dầu xuống mức thấp nhất có thể nếu như Iran không chịu chấp nhận mức cắt giảm mà Saudi đề nghị. Iran phản đối đề xuất này, tuyên bố sẽ chỉ tham gia thỏa thuận đóng băng nếu nước này chiếm 12,7% tổng sản lượng của OPEC – tương đương 4,2 triệu thùng/ngày. Viễn cảnh cả Ả Rập Saudi lẫn Iran đều nâng trần sản lượng khai thác thêm tổng cộng khoảng 2-3 triệu thùng/ngày là lý do khiến giá dầu thế giới giảm mạnh trong tuần qua.

Cụ thể, đề nghị của Ả Rập Saudi là Iran nên đóng băng ở mức sản lượng 3,66 triệu thùng/ngày, tuy nhiên Iran cho biết sản lượng của nước này hiện đã đạt mức 3,85 triệu thùng/ngày, và sẽ chỉ dừng lại khi đã đạt mức 4,2 triệu thùng/ngày. Lý do được Iran đưa ra là, chỉ có như vậy mới đảm bảo cân bằng lợi ích, khi chính Ả Rập Saudi đã lợi dụng việc Iran bị cấm vận để nâng sản lượng thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày kể từ thời điểm giữa năm 2014. Đề xuất của Ả Rập Saudi rằng cả 2 nước sẽ giảm cùng một mức sản lượng là khoảng 500.000 thùng/ngày (Saudi sẽ giảm sản lượng từ 10,7 xuống còn 10,2 triệu thùng/ngày nếu như Iran đồng ý giữ sản lượng ở mức 3,6-3,7 triệu thùng/ngày) vì thế theo Iran là không hợp lý, trừ phi Ả Rập Saudi phải giảm hơn nữa hoặc chấp thuận mức sản lượng 4,2 triệu thùng/ngày của Iran.

Sự bất đồng nghiêm trọng này đang đe dọa sẽ khiến hội nghị thượng đỉnh OPEC tại Vienna vào ngày 30.11 tới thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận đóng băng toàn cầu, có sự tham gia của các nước xuất khẩu ngoài OPEC. Ali Kardor, Giám đốc của Công ty dầu khí quốc gia Iran (NIOC), tuyên bố với truyền thông: “Làm việc trong ngành công nghiệp dầu lửa cũng giống như đang có chiến tranh vậy, chúng tôi phải đảm bảo lợi ích của mình bằng cách đẩy mạnh năng lực khai thác lên mức cao nhất có thể. Hội nghị thượng đỉnh OPEC đang ở rất gần, và chúng tôi không bao giờ có ý định ngừng việc đấu tranh để giành lại thị phần của mình trong tổ chức”. Nói cách khác, Iran sẽ không thỏa hiệp.

Nếu một thỏa thuận đóng băng sản lượng toàn cầu giữa OPEC và các nước xuất khẩu ngoài OPEC không được thông qua tại hội nghị Vienna, thì thế giới sẽ phải chờ thêm ít nhất là 6 tháng nữa mới có thể hy vọng nó diễn ra. Cũng đồng nghĩa với việc hy vọng vực dậy giá dầu thế giới sẽ tắt ngấm trong vòng nửa năm tới. Vì một thỏa thuận đóng băng sản lượng sẽ chỉ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh OPEC, mà sự kiện đó thì chỉ diễn ra có 2 lần trong một năm mà thôi.

Nhàn Đàm (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất đồng nội bộ OPEC đẩy giá dầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 1