Với lợi thế thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kết hợp nhiều tiện ích đang hiện hữu, thị trường bất động sản khu Nam Sài Gòn lại "trỗi dậy" mạnh mẽ, nhất là ở phân khúc cao cấp.

Bất động sản khu Nam Sài Gòn lại “trỗi dậy”

Một Thế Giới | 23/01/2016, 10:41

Với lợi thế thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kết hợp nhiều tiện ích đang hiện hữu, thị trường bất động sản khu Nam Sài Gòn lại "trỗi dậy" mạnh mẽ, nhất là ở phân khúc cao cấp.

Nghiên cứu của CBRE Việt Nam cho thấy, trong quý III/2015, số căn hộ chào bán mới tại TP.HCM là 10.114 căn hộ, trong đó nguồn cung mới của khu Nam (gồm quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè) chiếm 36%. Cụ thể, khu Nam có 36 dự án trong đó có hơn 10 dự án hiện đang mở bán với số lượng hàng ngàn căn hộ.
Còn theo số liệu của Hiệp hội bất động sản TP.HCM, năm 2015, thị trường bất động sản TP.HCM đã chào đón 41.787 căn hộ từ 78 dự án, đa số tập trung ở phía Đông (47%) và phía Nam thành phố (27%), tăng 122% so với năm ngoái. Trong năm 2016, thị trường bất động sản khu Nam được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Không riêng gì số lượng căn hộ được chào bán, thị trường bất động sản khu Nam Sài Gòn còn chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp địa ốc. Hàng loạt các “đại gia” địa ốc rục rịch chuyển hướng về khu Nam để săn tìm quỹ đất, phát triển dự án và liên tục tung ra thị trường các dự án mới.
Đơn cử như Công ty Địa ốc Phú Long mới đây đã khởi động mạnh và tung ra thị trường dự án căn hộ Dragon Hill 2, Tập đoàn Đất Xanh cũng cho ra thị trường dự án khu căn hộ thương mại cao cấp Luxcity, Novaland đã mua lại và đầu tư khá nhiều dự án tại khu vực này…
Sở dĩ khu Nam Sài Gòn thu hút nhiều dự án bất động sản là bởi khu vực này có vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng đang được hoàn thiện. Từ khu Nam có thể kết nối thuận tiện với trung tâm thành phố cũng như khu Đông trong tương lai.
Theo quy hoạch phát triển giao thông TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, TP.HCM sẽ xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 và quận 7. Dự án cầu Thủ Thiêm 4 cách cầu Thủ Thiêm 3 khoảng 1,1 km theo đường sông về phía hạ lưu và giao cắt với cảng Tân Thuận thuộc bến cảng Sài Gòn.
Không chỉ vậy, hàng loạt dự án phát triển hạ tầng tại khu Nam Sài Gòn đã, đang và sẽ được triển khai như Đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Huỳnh Tấn Phát, đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Phú Mỹ, hệ thống hầm chui, cầu vượt, tuyến Metro số 4... cũng được xem là đòn bẩy để tạo thêm sức hấp dẫn của bất động sản khu Nam.
Cùng với đó, nhiều tiện ích công cộng như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, tiện nghi thuộc loại cao cấp… của thành phố được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều tạo nên sự phát triển không ngừng của khu vực này.
Việc TP.HCM dự định phát triển một đặc khu kinh tế tại phía Nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ và tập trung vào kinh tế hàng hải cũng được kỳ vọng tạo ra bước phát triển thần kỳ, đột phá cho thị trường địa ốc phía Nam trong thời gian tới. Hiện thị trường bất động sản tại khu vực Nam Sài Gòn, nhất là quận 7 đã đi vào quỹ đạo phát triển ổn định.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng việc nhiều nhà đầu tư chọn khu Nam Sài Gòn phát triển trong thời gian gần đây là bình thường chứ không phải là bất thường.
Theo ông Châu, khu Nam vẫn là một khu đang hoàn thiện hạ tầng. Tuy nhiên, để khu Nam phát triển hơn thì thành phố cần phát triển hạ tầng kết nối tới khu vực này. Chẳng hạn như có thêm cầu kênh Tẻ và các cây cầu khác để kết nối thêm khu vực Nhà Bè cũng như xây dựng nút giao thông tại Phú Mỹ Hưng để đảm bảo giao thông không bị ách tắc. Đồng thời, nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ để giao thông thông suốt. Hiện nay, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu.
“Khu Nam từ lâu đã là khu trọng tâm để phát triển bất động sản. Hiện nay đã có nhiều dự án bất động sản từ trung cấp đến cao cấp được xây dựng ở bán đảo phía Nam này. Đây là một điều đáng mừng vì nó sẽ phân bố đều các dự án bất động sản cho thành phố cũng như giải quyết nhu cầu an cư của người dân”, ông Châu nói.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
13 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất động sản khu Nam Sài Gòn lại “trỗi dậy”