Cử tri ở vùng ĐBSCL đặt nhiều kỳ vọng vào những người trúng cử đại biểu quốc hội (ĐBQH) và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bầu cử khu vực ĐBSCL: Nhiều kỳ vọng của cử tri

Nhóm PV | 23/05/2021, 14:13

Cử tri ở vùng ĐBSCL đặt nhiều kỳ vọng vào những người trúng cử đại biểu quốc hội (ĐBQH) và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Sáng 23.5, cùng với người dân cả nước đi bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngay từ sáng sớm cử tri ở khắp các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã có mặt tại các điểm bỏ phiếu để thể hiện quyền và nghĩa vụ của công dân lựa chọn, bầu ra những người đủ đức, đủ tài và dám nghĩ, dám làm trúng cử làm đại diện cho tiếng nói của cử tri.

3-bcu.jpg
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân vinh dự là cử tri đầu tiên bỏ lá phiếu bầu cử ĐBQH vào thùng phiếu - Ảnh: Tô Văn

Tại tỉnh Cà Mau có 1.259 khu vực bỏ phiếu với tổng số cử tri hơn 852.000 người. Theo ghi nhận của PV, ở tất cả các điểm bỏ phiếu, Ủy ban Bầu cử (UBBC) các địa phương đều bố trí lực lượng đo thân nhiệt, xịt nước sát khuẩn và cấp khẩu trang y tế cho cử tri trước khi vào nơi bỏ phiếu. Bên trong khu vực bỏ phiếu đều có bố trí lực lượng cấp phát phiếu, người hướng dẫn và phòng kín để cử tri ngồi và lựa chọn người mà mình tin tưởng để điền vào tấm lá phiếu.

anh-1-ong-nguyen-tien-hai-bi-thu-tinh-uy-ca-mau-tham-gia-bo-phieu-tai-diem-bau-cu-so-12-xa-dat-mui-h.ngoc-hien-anh-tran-khai.jpg
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau tham gia bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 12, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển - Ảnh: Trần Khải

Có mặt từ rất sớm tại khu vực bỏ phiếu, ông Trần Văn Hoàng (67 tuổi) ngụ ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau nói: “Tối hôm qua, tôi còn lật tờ thông tin của từng ứng viên ứng cử mà chính quyền địa phương đã phát trước đó để cân nhắc lựa chọn ai. Chọn là phải chọn những người có tâm, có tài và dám ăn dám nói để đại diện cho dân, cho nước. Có như vậy thì đất nước mới phát triển, vươn tầm được”.

Tại tỉnh Bạc Liêu có 551 tổ bầu cử với tổng số cử tri là 612.441 người. Theo ghi nhận của PV, để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho cử tri tham gia bầu cử, trong sáng 23.5 trên địa bàn tỉnh có 95 tổ bầu cử đã khai mạc lúc 6 giờ sáng và 456 tổ bầu cử khai mạc trong khoảng thời gian từ 6-7 giờ. Công tác triển khai, bố trí sắp xếp nơi đón tiếp cử tri, lực lượng đo thân nhiệt, xịt nước sát khuẩn, khai báo y tế, bàn cấp phát phiếu bầu, phòng kín… đều được thực hiện đúng quy định.

anh-4-can-bo-xa-vinh-hung-h.vinh-loi-bac-lieu-huong-dan-nguoi-dan-cach-lua-chon-ung-vien-trong-phieu-bau-anh-tran-khai.jpg
Cán bộ xã Vĩnh Hưng, H.Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) hướng dẫn người dân cách lựa chọn ứng viên trong phiếu bầu - Ảnh: Trần Khải

Ông Ngô Quốc Việt (54 tuổi) ngụ xã Vĩnh Hưng, H.Vĩnh Lợi nói: “Bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 lần này rất đặc biệt. Nó đặc biệt là trong bối cảnh cả nước cùng chung tay chống lại dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ. Cử tri đi bầu cử đều thực hiện đúng các khuyến cáo của ngành y tế. Tôi tin tưởng rằng, những đại biểu trúng cử lần này sẽ thực hiện đúng lời hứa với nhân dân như những gì đã cam kết ở những lần tiếp xúc cử tri trước khi diễn ra bầu cử, để xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri đã lựa chọn họ đắc cử”.

Tại An Giang và Đồng Tháp, trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có gần khoảng 3 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu. Sáng 23.5, bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch HĐBC quốc gia, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội An Giang; ông Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh đã thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Hai người bỏ phiếu bầu tại khu vực bỏ phiếu số 3, văn phòng khóm Đông An 2, P.Mỹ Xuyên, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sau lễ chào cờ, phát biểu khai mạc của tổ trưởng tổ bầu cử, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang là những cử tri đầu tiên bỏ lá phiếu bầu cử ĐBQH vào thùng phiếu.

2-bcu.jpg
Các điểm bỏ phiếu trên địa bàn TP.Long Xuyên hầu hết công tác chuẩn bị rất tốt cũng như công tác phòng dịch nghiêm ngặt - Ảnh: Tô Văn

Theo ghi nhận PV Một Thế Giới, tại các điểm bỏ phiếu trên địa bàn TP.Long Xuyên hầu hết công tác chuẩn bị bầu cử tốt cũng như công tác phòng dịch nghiêm ngặt. Những cử tri khi đến các điểm bỏ phiếu đều được kiểm tra khẩu trang, đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn, xếp hàng từng lượt… Đặc biệt, tại những khu vực bỏ phiếu đều có các cán bộ hướng dẫn cụ thể.

Cử tri Lê Thành Đoàn (79 tuổi, ngụ khóm Đông An 2, P.Mỹ Xuyên, TP.Long Xuyên) cho biết: “Là 1 cử tri đến bỏ phiếu bầu, khi đọc qua tiểu sử của từng người, tôi rất chủ động chọn những đại biểu nào có điều kiện đóng góp cho quốc hội, HĐND các cấp. Ngoài ra, tôi đặt trọn niềm tin khi bầu những vị đại biểu này”, ông Đoàn nói. Theo tìm hiểu của PV, sáng cùng ngày có hơn 1,6 triệu cử tri An Giang đã thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

5-bcu.jpg
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc bầu cử tỉnh Đồng Tháp là người bỏ lá phiếu bầu cử đầu tiên tại tổ bầu cử số 4 được tổ chức trong khuôn viên đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, chủ chợ Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: T.N

Tại tỉnh Đồng Tháp, có khoảng 1.065 khu vực bỏ phiếu bầu cử đồng loạt khai mạc cho hơn 1,3 triệu cử tri của tỉnh đi bỏ phiếu bầu chọn 8 vị ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc bầu cử tỉnh Đồng Tháp là người bỏ lá phiếu bầu cử đầu tiên tại tổ bầu cử số 4 được tổ chức trong khuôn viên đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, chủ chợ Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Sáng 23.5, trên 972.300 cử tri ở 1.260 khu vực bầu cử của tỉnh Sóc Trăng cũng đã nô nức đi bỏ phiếu bầu. Tại tổ bầu cử số 10, điểm bỏ phiếu đặt tại trường tiểu học Võ Thị Sáu (P.9, TP.Sóc Trăng), ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng là người bỏ lá phiếu đầu tiên trong sự cổ vũ của các cử tri.

Cử tri Trần Thị Bích Giang (22 tuổi), sinh viên ngành sư phạm Mầm non, trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng cho biết đây là lần đầu tiên chị được tham gia bầu cử. Trước khi bầu cử, chị đã tìm hiểu rất kỹ tiểu sử và chương trình hành động của các ứng viên ĐBQH và HĐND các cấp. 

3-1.jpg
Một cử tri lớn tuổi ở tỉnh Sóc Trăng đi bầu - Ảnh: Vũ Phong

Cuộc bầu cử này Sóc Trăng có 13 người ứng cử ĐBQH khóa XV (trong đó có 1 người tự ứng cử, 3 người Trung ương giới thiệu về) với 3 đơn vị bầu cử để bầu chọn 7 người. 85 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh với 11 đơn vị bầu cử để bầu chọn 52 người. 584 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện để bầu chọn 347 người. 4.701 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã để bầu chọn 2.817 người.

Từ 6 giờ 30 ngày 23.5, cùng với cả nước, các đơn vị bầu cử tại tỉnh Kiên Giang cũng bắt đầu khai mạc. Theo đó, 1.768 tổ bầu cử ở 144 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh lần lượt tiến hành phát phiếu để cử tri đi bầu cử. Tại Kiên Giang có 3 đơn vị bầu cử ĐBQH; 21 đơn vị bầu cử HĐND cấp tỉnh; 163 đơn vị cấp huyện; 1.167 đơn vị cấp xã với 1.768 khu vực bỏ phiếu. Kiên Giang có 13 ứng cử viên ĐBQH, 103 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh, 961 ứng cử viên cấp huyện và 6.319 ứng cử viên cấp xã. Toàn tỉnh Kiên Giang có trên 1,19 triệu cử tri đã được lên danh sách.

Tại bến cảng Rạch Giá, tàu khách vận chuyển hành khách đi huyện đảo Kiên Hải và TP.Phú Quốc vẫn hoạt động bình thường như mọi ngày. Nhiều hành khách ở TP.Rạch Giá cho biết, trước khi quyết định đi ra đảo có việc, từ sáng sớm họ đã chuẩn bị tươm tất để đến điểm bầu cử bỏ phiếu rồi mới đi. Ngược lại, nhiều hành khách ở huyện đảo cũng tranh thủ về cho kịp thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

cu-tri-truoc-khi-vao-bau-cu-tien-hanh-do-than-nhiet-phong-chong-covid-19-copy.jpg
Cử tri ở Kiên Giang trước khi vào bầu cử được đo thân nhiệt phòng chống COVID-19 - Ảnh: Tháp Mười

Ngư dân Trần Phước Thiện, ngụ xã Hòn Tre, H.Kiên Hải cho biết, mấy hôm nay có việc phải vào đất liền, nhưng hôm nay tạm gác lại để tranh thủ về đảo để bầu cử. 

Ở các điểm bỏ phiếu bầu cử riêng, như quân đội, công an, biên phòng… cũng đã kết hợp với địa phương tổ chức đồng loạt để cán bộ, chiến sĩ tham gia quyền công dân của mình. Riêng các địa điểm cách ly y tế tập trung và tại nhà ở các địa phương trong tỉnh, các đơn vị cũng đang tiến hành các thùng phiếu phụ để cử tri đang cách ly y tế thực hiện tốt quyền công dân.

Trung tá Phạm Quốc Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết, đơn vị được HĐBC tỉnh Kiên Giang cho phép tổ chức 1 đơn vị bầu cử độc lập tại đơn vị. Từ giữa tháng 4.2021, đơn vị đã tổ chức phát động thi đua giữa các chi đoàn, trong đó có cán bộ, chiến sĩ trên các chốt phòng, chống dịch cùng tham gia. Các chốt thi đua phòng, chống dịch COVID-19, chống xuất nhập cảnh trái phép và chống buôn lậu. Toàn thể đơn vị chung tay giữ gìn an ninh, chính trị khu vực biên giới, bảo đảm cho ngày bầu cử diễn ra tốt đẹp, an toàn, thành công.

TP.Hà Tiên duy trì các chốt phòng, chống dịch trên biên giới. Tổ chức bố trí, duy trì 53 chốt chặn, trong đó có 48 chốt trên biên giới bộ, 5 chốt trên biển do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đảm nhiệm. Bên cạnh đó, Hà Tiên còn bố trí 11 chốt liên ngành tuyến sau vành đai biên giới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai các phương án để tất cả các cán bộ, chiến sĩ tại các tổ, chốt thực hiện quyền công dân trong ngày bầu cử, bỏ phiếu tại tổ bầu cử của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.

187463907_4334576709886911_5317016013051594240_n.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính bỏ phiếu bầu tại TP.Cần Thơ - Ảnh: Minh Trung

Còn tại TP.Cần Thơ, đúng 7 giờ sáng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã dự lễ khai mạc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp tại ở đơn vị bầu cử số 1, khu vực bỏ phiếu số 18, P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều. Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử tại TP.Cần Thơ. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ ứng cử tại ĐBSCL. Bởi trong các nhiệm kỳ trước và gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều là ĐBQH TP.Hải Phòng.

Theo UBBC TP.Cần Thơ, TP có 3 đơn vị bầu cử ĐBQH, bầu ra 7 ĐBQH khóa XV trong số 13 ứng cử viên. TP có 943 tổ bầu cử, số lượng cử tri là hơn 950.000 người.

 

Bài liên quan
Đảng của Tổng thống Hàn Quốc thất bại trong bầu cử quốc hội
Hãng Yonhap News đưa tin đảng Dân chủ (DP) đối lập vừa thành công đánh bại đảng Quyền lực nhân dân (PPP) của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ngày 10.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bầu cử khu vực ĐBSCL: Nhiều kỳ vọng của cử tri