Liên quan đến cả gia đình ăn bún riêu chay nghi bị nhiễm độc Pate chay, người mẹ vẫn còn nguy kịch, còn cha tử vong, riêng bé gái 16 tuổi đã có dấu hiệu hồi phục. Hiện bé đã rung được cơ đùi, đồng tử 4mm có phản xạ ánh sáng tốt.
Chiều 26.3, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay sau một thời gian điều trị, hiện bé gái N.T.T. (16 tuổi, ngụ ở Bình Dương) nghi bị nhiễm độc Pate chay sau khi ăn món bún riêu chay cùng với cha mẹ trước đó đã có dấu hiệu hồi phục. Hiện bé đã cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn, bé đã rung được cơ đùi, đồng tử 4mm có phản xạ ánh sáng tốt.
BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng- Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, lúc nhập viện chỉ số Glasgow (chỉ số hôn mê) của bé được 12 điểm, suy hô hấp, ứ CO2 nhiều nên được đặt nội khí quản, thở máy. Lúc này bệnh nhi suy hô hấp, đồng tử giãn 5mm, còn phản xạ ánh sáng, sức cơ 1/5 (chỉ cử động nhẹ đầu ngón tay).
Các bác sĩ tiến hành truyền huyết thanh kháng độc tố BAT(2/3 lọ). Sau 3 giờ truyền BAT, đến 22 giờ 30 ngày 25.3, bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn. Đến sáng nay (26.3), khi được yêu cầu thì bé rung được cơ đùi, đồng tử 4mm có phản xạ ánh sáng tốt.
“Sau 3 ngày điều trị, hiện bé vẫn còn thở máy nhưng đã tỉnh, đồng tử giãn 4mm, phản xạ ánh sáng dương tính, huyết áp 150/100mmhg, các chỉ số xét nghiệm (công thức máu, chức năng gan thận, điện tâm đồ, men tim) trong giới hạn bình thường. Hiện các bác sĩ Khoa Nhiễm đang nỗ lực hết sức để cứu chữa cho em”, bác sĩ Tùng chia sẻ.
Trước đó, bé gái này ăn bún riêu chay do bố mẹ đem về, đến 17 giờ 30 ngày 21.3, em bắt đầu đau đầu, chóng mặt, nôn, không tiêu chảy. Đến 3 giờ 30 ngày 22.3, T. chóng mặt, ói nhiều hơn, cứng lưỡi, vẫn còn tỉnh táo, tay chân hoạt động bình thường, người nhà đã chuyển bé đến Bệnh viện 512 Bình Dương. Tại đây, bệnh nhi được chỉ định chụp CT Scan đầu nhưng chưa ghi nhận bất thường, điều trị hỗ trợ. Đến 13 giờ cùng ngày, T. mệt lả, vẫn còn ói nhiều, cứng lưỡi nhiều hơn, đàm nhớt ở họng nhiều, nhưng không ho ra được, phải dùng dụng cụ hút đàm nhớt thường xuyên, gia đình đã chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2.