"Bến lửa lòng" (tác giả: Vũ Trần – Trác Thúy Miêu, đạo diễn Vũ Trần) vừa ra mắt công chúng tại sân khấu 5B Võ Văn Tần (TP.HCM). Vở diễn có kịch bản chặt chẽ, lối dàn dựng có chiều sâu đã tạo nên cảm xúc buồn man mác của kiếp người trong cõi nhân sinh.

'Bến lửa lòng': Dấu ấn của dòng kịch tâm lý tình cảm trên sân khấu 5B

Bài và ảnh: Nguyễn Huy | 02/10/2023, 16:55

"Bến lửa lòng" (tác giả: Vũ Trần – Trác Thúy Miêu, đạo diễn Vũ Trần) vừa ra mắt công chúng tại sân khấu 5B Võ Văn Tần (TP.HCM). Vở diễn có kịch bản chặt chẽ, lối dàn dựng có chiều sâu đã tạo nên cảm xúc buồn man mác của kiếp người trong cõi nhân sinh.

Nếu ví cuộc đời con người là một viên gạch nung, thì các nhân vật trong câu chuyện của Bến lửa lòng đều là những viên gạch bị đập bể, biến dạng trong những hình thù xấu xí và cháy xém.

384513233_876335650536621_3094689460116654413_n.jpg
Các nhân vật trong "Bến lửa lòng" 

Dẫu rằng trong dòng xoáy kịch nghệ hiện tại, kịch sinh hoạt và giải trí vẫn đang được công chúng trẻ yêu thích, nhưng cách đây vài tháng, NSƯT Mỹ Uyên đã xác định sân khấu 5B sẽ quay lại dòng kịch chính luận như thời hoàng kim của sân khấu kịch thể nghiệm năm xưa.

Chị đã quyết định cho lên sàn vở Ái tình ngoài hôn nhân (tác giả Lê Thu Hạnh, đạo diễn Quốc Thịnh - NSƯT Mỹ Uyên) với lối dàn dựng ước lệ và nội dung đi sâu vào những zích zắc của đời sống tâm lý nam, nữ trong hôn nhân và tình yêu. Để khẳng định đây là hướng đi xuyên suốt, Mỹ Uyên đã ra mắt vở thứ 2 là Bến lửa lòng.

NSƯT Mỹ Uyên cho biết: “Từ lâu tôi mang vác trên vai hai trách nhiệm. Thứ nhất là một nghệ sĩ trình diễn, thứ hai là Giám đốc nhà hát kịch 5B Võ Văn Tần tức là vai trò quản lý và sản xuất. Trong vai trò của một nhà quản lý, tôi muốn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ và cả những nghệ sĩ không còn trẻ nhưng không có sân khấu để thể hiện tài năng. Trong "Bến lửa lòng", đạo diễn đã chọn diễn viên hợp lý nên tôi tự nguyện đứng ngoài, chỉ đóng vai trò nhà đầu tư, không cố gắng lấy một vai nào đó. Khi xem xong suất diễn đầu tiên, tôi cảm động đến rơi nước mắt. Các bạn đã làm quá tốt”.

384513941_331084169479027_4034525788696562131_n.jpg
Quách Ngọc Tuyên đầy cảm xúc với vai Koi khờ và NSƯT Tú Sương trong vai mẹ Bí khờ khạo, nửa tỉnh nửa điên

Kịch bản Bến lửa lòng đã được Vũ Trần hoàn thành cách đây nhiều năm, NSƯT Mỹ Uyên đã rất tâm đắc và lên kế hoạch sản xuất. Ấp ủ thêm một thời gian, Vũ Trần cần thấy phải có sự bổ sung và điều chỉnh nên mời Trác Thúy Miêu viết bổ sung lời thoại. Vì vậy, tác giả kịch bản đứng tên cả Vũ Trần và Trác Thúy Miêu. Có lẽ có thời gian thai nghén lâu và sự hợp sức sáng tạo nên câu chuyện Bến lửa lòng có một bố cục chặt chẽ. Bối cảnh chính của câu chuyện là cái lò gạch của bà Vàng (Ngọc Duyên thủ vai) và bến sông mênh mông nước của má Bí (NSƯT Tú Sương). Thế nhưng, tại đó, số phận của nhân vật vừa nghiệt ngã, vừa đau xót khiến người xem xúc động đến rơi lệ.

Suy cho cùng, tác giả muốn hướng đến một thông điệp duy nhất mà nhân loại đã khổ sở kiếm tìm từ thuở hồng hoang của loài người cho đến thời hiện tại, đó là sự kiếm tìm hạnh phúc. Mở đầu câu chuyện, hình ảnh má Bí khùng nửa điên nửa tỉnh, Dũng (Bảo Kun) không cha, bé Bông (Gia Linh) và Koi (Quách Ngọc Tuyên) là trẻ mồ côi đã giúp khán giả thấy ngay thân phận kém may mắn của họ. Thế nhưng, đến lúc lớp vỏ của số phận của từng nhân vật được lột dần từng lớp, khán giả bàng hoàng vì bi kịch cuộc đời của họ. Họ quay quắt được hạnh phúc và vì thế, mỗi một người trong họ quẫy đạp, gào thét tìm kiếm thứ mà họ nghĩ rằng sẽ mang đến cho họ niềm hạnh phúc. Đây là thủ pháp kể chuyện hay, tạo nên bất ngờ ở phần kết.

Hành trình đi tìm cái “mình không có” ấy đã khiến cho “con người” bên trong họ khổ đau, cay đắng và dằn xé. Có kẻ không được một chút tình thương nào từ khi mới lọt lòng, quay quắt tranh thủ cho mình tình thương. Có kẻ cho rằng vì nghèo mà thân phận của họ bị rẻ khinh nên trong lúc giằng xé giữa tình - tiền và họ đã chọn tiền. Có kẻ khát khao nhục dục nên cần một người đàn ông khỏe mạnh thỏa mãn lửa tình rực cháy trong lòng. Họ đuổi hình bắt bóng trong cái vòng lẩn quẩn đầy bế tắc mà số phận đã dành riêng cho họ.

Một câu chuyện sẽ khiến người xem phải chững lại đôi chút, chậm lại đôi chút để mà suy ngẫm và sau đó, có thể họ sẽ tự hỏi“vậy chúng ta phải làm gì để thực sự hạnh phúc”. Để rồi cuối cùng, họ nhận ra niềm hạnh phúc ấy có khi đến dễ dàng hơn với những con người sống thật với chính mình và suy nghĩ giản đơn mộc mạc như Koi (Quách Ngọc Tuyên) hay bé Bông (Gia Linh).

384510441_285776687737342_1966518209791098036_n.jpg
Ngọc Duyên gây tranh cãi trong vai người đàn bà cá tính

Điểm đặc biệt trong Bến lửa lòng là kịch bản dành đất đủ rộng cho tuyến nhân vật chính có thể hóa thân. Cái hay của đạo diễn là chọn diễn viên hợp vai. NSƯT Tú Sương, một ngôi sao cải lương từng thành công với 3, 4 vở kịch ở nhiều sân khấu, đã một lần nữa diễn xuất sắc trong vai một bà mẹ khờ khạo lúc tỉnh, lúc điên. Lối diễn của Tú Sương vừa có duyên khiến người xem phải bật cười, vừa đậm chất bi ai khiến người ta rơi lệ.

Ngọc Duyên trước đây có nghệ danh là Lương Duyên ngày càng tinh tế trong bộc lộ xúc cảm nội tâm. Sau hành trình thể nghiệm mình tại Hoàng Thái Thanh, Ngọc Duyên đã xác định mình có thế mạnh trong vai thể hiện tính cách. Với vai bà Vàng trong Bến lửa lòng, Duyên đã hóa thân thành công vào tâm lý của một người bản lĩnh, gai góc sống chấp chới trong khát khao của đàn bà. Cô thể hiện được sự hụt hẫng, cô đơn của một người vợ không được chở che bởi một bờ vai không vững chãi. Số phận của nhân vật bà Vàng sẽ gây tranh cãi giữa hai luồng ý kiến rằng đây là một người đàn bà hư hỏng từ trong cốt cách, hay là nạn nhân của số phận nghiệt ngã.

Quách Ngọc Tuyên đã ngưng diễn kịch dài từ rất lâu. Dấu ấn của Tuyên trên sân khấu Nụ cười mới trước đây là hài ngầu. Trên YouTube, Quách Ngọc Tuyên lạnh lùng trong hình ảnh đàn anh giang hồ. Trong vai Koi - một anh khờ mồ côi của Bến lửa lòng, Quách Ngọc Tuyên đã khóc rất nhiều.

Gia Linh dù đã liên tục xuất hiện trên sân khấu 5B, nhưng đến vai bé Bông, nữ diễn viên trẻ này thực sự tiến bộ. Khả năng diễn bi của Gia Linh tốt.

Điều bất ngờ sau cùng là Bảo Kun trong vai Dũng. Chàng ca sĩ hát nhạc phong cách hip hop đã rất thuyết phục trong vai một đứa con trai không cha, với đầy những giằng xé nội tâm. Hoàng Ngọc Sơn tròn vai trong nhân vật một người cha, một người chồng có tính cách hèn hạ.

Thành công của vở diễn còn có sự góp sức của họa sĩ thiết kế KB. Với phông màn và cảnh trí liên tưởng đến ngọn lửa nội tâm, bục bệ có độ dốc, trượt, chị đã giúp cho diễn viên diễn được nhiều hành động gây hiệu ứng mạnh.

Bài liên quan
TP.HCM: Bé trai 4 tuổi mắc sốt xuất huyết nguy kịch thoát chết sau 6 lần lọc máu
Sau 3 ngày sốt, bé trai 4 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng, sốc kéo dài gây rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, biến chứng suy đa cơ quan…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Bến lửa lòng': Dấu ấn của dòng kịch tâm lý tình cảm trên sân khấu 5B