Từ đầu năm 2023 đến nay, người dân ở nhiều xã của huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre thường xuyên phải dùng nước sinh hoạt bị nhiễm mặn.
Cũng như các hộ dân khác ở ấp Long Hội, xã Giao Long (huyện Châu Thành, Bến Tre), ông Huỳnh Ngọc Quang rất bức xúc vì nhiều tháng nay thường xuyên phải dùng nước sinh hoạt bị nhiễm mặn với giá hơn 8.000 đồng/m3.
“Nguồn nước mà gia đình tôi đang sử dụng không ổn định, lúc mặn, lúc ngọt. Nhiều vật dụng trong nhà bị rỉ sét do nước nhiễm mặn. Tôi bức xúc vì dù nước không đảm bảo chất lượng nhưng giá không giảm, vẫn hơn 8.000 đồng/m3. Tôi đề nghị nhà máy nước khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn để đảm bảo sức khỏe cho người dân”.
Còn bà Huỳnh Thị Đẹp, người dân ở ấp 3, xã An Hóa (huyện Châu Thành) cho biết, do nguồn nước thường bị nhiễm mặn nên gia đình bà phải mua nước bình hoặc hứng nước mưa để nấu ăn và uống. “Nước máy lúc này chất lượng kém, tôi chỉ sử dụng cho việc giặt rửa. Từ hôm Tết đến nay chúng tôi vẫn đóng tiền như bình thường, giá y cũ nhưng chất lượng nước rất tệ”.
Được biết, Công ty cổ phần cấp nước sinh hoạt Châu Thành là đơn vị cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các xã An Hóa, An Phước, Giao Long và một phần của xã Quới Sơn (huyện Châu Thành). Doanh nghiệp này có 2 nhà máy cấp nước đặt tại sông Giao Hòa (xã An Hóa) và sông Ba Lai (xã An Phước).
Từ trước đến nay, các nhà máy này chỉ đơn thuần bơm nước từ sông Ba Lai, Giao Hòa lên xử lý, sau đó cung cấp cho người dân với giá hơn 8.000 đồng/m3. Do chỉ có duy nhất nguồn nước này nên người dân phải bấm bụng sử dụng. Điều đáng nói là việc vận hành lấy nước mặt của công ty chưa hợp lý, nước sông bị nhiễm mặn nhưng khi bơm lên xử lý không tốt dẫn đến chất lượng nước rất tệ.
Bà Đỗ Thị Lụa, Phó chủ tịch UBND xã An Hóa cho biết, cán bộ nhân viên của xã cũng như người dân đều phải sử dụng nước từ trạm cấp nước thường xuyên nhiễm mặn. Có thời điểm, độ mặn từ nguồn nước này đến 3-4 phần nghìn. Xã nông thôn mới mà sử dụng nước sinh hoạt như thế này khiến người dân rất bức xúc.
“Địa phương sẽ kiến nghị Công ty cổ phần cấp nước sinh hoạt Châu Thành có giải pháp giảm độ mặn khi cung cấp nước cho người dân. Độ mặn như vậy sẽ ảnh hưởng đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe người dân. Nguồn nước mặn xử lý không tốt thì công ty cũng phải điều chỉnh lại giá bán mới hợp lý”, bà Lụa nói.
Nước sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu của người dân. Việc hàng nghìn hộ dân ở nhiều địa phương của huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre thường xuyên sử dụng nước nhiễm mặn là vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Công ty cổ phần cấp nước sinh hoạt Châu Thành cần phải có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng nêu trên để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.