Mới hơn 8 giờ sáng mà khu vực hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp ở xã Tân Xuân (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đã nóng hầm hập dưới ánh nắng gay gắt của ngày đầu tháng 5. Quanh hồ, những thửa ruộng khô cằn, nứt nẻ, thỉnh thoảng mới có một bóng người loay hoay hái những mớ rau dại...
“Siêu hồ chứa nước ngọt” vô tác dụng
Bà Hồ Thu Ba (57 tuổi, ngụ ấp 2, xã Tân Xuân) cho biết từ khi chiếc “siêu hồ chứa nước ngọt” bị nhiễm mặn rồi dần cạn khô trơ đáy thì dân trong vùng chẳng ai trồng trọt được cây gì trên ruộng, đành bỏ hoang. Bản thân bà Ba thì đi bán vé số, ngày bán 100 tờ kiếm 100.000 đồng để sinh nhai, mua nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống.
“Nhưng Nhà nước mới cho bán vé số trở lại mấy bữa nay. Còn trong thời gian bị cấm bán vé số thì tui đi làm thuê bữa đực bữa cái, xin gạo, mì gói từ thiện để ăn, xin nước ngọt của mấy nhà hảo tâm đem về xài, tắm giặt thì sử dụng nước mặn chát của nhà máy nước Tân Mỹ”, bà Ba kể.
Nói lòng vòng một hồi rồi bà Ba và những người dân ở xã Tân Xuân cũng quay lại chuyện cái “siêu hồ chứa nước ngọt” trị giá 85 tỉ đồng bị cạn trơ đáy khi chưa phát huy được tác dụng như mong muốn. Bà Ba kể “siêu hồ chứa nước ngọt” thực chất là con kênh đào từ thời xa xưa đưa nước từ sông Ba Lai vào phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân các xã Tân Xuân, Phú Ngãi, Phước Tuy của huyện Ba Tri.
Theo lý giải, “siêu hồ” bị cạn là do dân xài nước quá nhiều trong khi không có nguồn nước bổ sung - Ảnh: Thanh Anh
Theo thời gian con kênh bị cạn dần nên có tên là kênh Lấp. Mùa khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt năm 2016, dân trong vùng thiếu nước trầm trọng nên tỉnh Bến Tre quyết định đầu tư nạo vét, cải tạo con kênh Lấp thành cái hồ chứa nước ngọt khổng lồ với mục tiêu kỳ vọng là nước mặn bất khả xâm phạm.
“Tui nhớ cái hồ này được khởi công xây dựng hồi đầu năm 2017, đến đầu tháng 8.2019 thì khánh thành đưa vào sử dụng. Ngày khánh thành dân trong vùng vui lắm vì nghe nói cái hồ trị giá tới 85 tỉ đồng, dài 7.000 mét, chứa được hơn 800.000m3 nước ngọt, đủ sức phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho hơn 200.000 người dân và 13.000 héc-ta đất ruộng của huyện Ba Tri, chứ không riêng dân 3 xã Tân Xuân, Phú Ngãi, Phước Tuy”, bà Ba cho biết.
Theo lời bà Ba, mấy tháng cuối năm 2019 nước hồ vẫn ngọt bình thường. Nhưng từ tháng 1 năm nay, khi mùa khô hạn, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt thì nước trong hồ cũng có vị mặn. Mấy người dân trong vùng đem máy đo thử thì thấy nồng độ muối trong nước hồ khoảng gần 2g/lít dù đơn vị khai thác hồ đã đóng cống, không lấy nước từ sông Ba Lai vào hồ.
Rồi chỉ trong mấy tháng nước hồ ngày càng cạn dần. Từ đầu tháng 3 đến nay thì “siêu hồ chứa nước ngọt” kênh Lấp gần như cạn trơ đáy, nhiều nơi đáy hồ nứt nẻ, đôi chỗ còn lác đác những vũng nước nhỏ nhưng sâu chưa đến nửa mét.
Ông Nguyễn Văn Hồng, người dân xã Tân Xuân cho biết từ khi “siêu hồ chứa nước ngọt” bị khô cạn, người dân trong vùng phải chuyển sang sử dụng nguồn nước từ Nhà máy cấp nước Tân Mỹ của huyện Ba Tri.
“Nhưng nước máy cũng mặn như… nước muối, dân chỉ dám dùng để tắm giặt dù bị ngứa ngáy. Còn nước ăn uống cho người, dê, bò, gia cầm thì phải đặt mua từ các xe máy cày chở nước ngọt. Đường gần thì máy cày bán 100.000 đồng/2m3, đường xa thì 2m3 giá 200.000 đồng, nhưng không phải ai cũng có tiền để mua. Mấy tháng qua nếu không có những đoàn từ thiện từ khắp nơi chở nước ngọt về cứu trợ thì chắc dân vùng này lâm cảnh chết khát”, ông Hồng cho biết.
Theo ông Hồng, do không có nước nên hàng ngàn héc-ta ruộng ở Tân Xuân, Phú Ngãi, Phước Tuy đều bị nhà nông bỏ trống, đất đai khô cằn nứt nẻ dù trước đó nhiều người kỳ vọng là họ sẽ được sử dụng nguồn nước ngọt từ “siêu hồ chứa” để trồng rau màu.
Nhiều cánh đồng xung quanh “siêu hồ” kênh Lấp bị bỏ hoang, khô cằn nứt nẻ do không có nước sản xuất - Ảnh: Thanh Anh
Theo một cán bộ của UBND xã Tân Xuân, việc “siêu hồ chứa nước ngọt” kênh Lấp bị nhiễm mặn, khô cạn và không phát huy được tác dụng như kỳ vọng trong mùa khô hạn năm nay đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao của nhiều người. Trước mắt, có thể xác định nước hồ nhiễm mặn là do nước mặn từ sông Ba Lai rò rỉ vào; còn vì sao nước trong hồ cạn quá nhanh thì UBND xã không thể lý giải được.
Trong khi đó đơn vị quản lý, khai thác “siêu hồ nước ngọt” kênh Lấp là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre cho rằng trên thực tế nước hồ kênh Lấp đã cung cấp khoảng 10.000m3 nước thô cho Nhà máy nước kênh Lấp ở xã Phú Ngãi, đủ để cung cấp 3.000m3 nước sạch cho hàng ngàn hộ dân ở các xã An Thủy, Tân Thủy, An Hòa Tây, Bảo Thạnh.
Ngoài ra “siêu hồ” kênh Lấp còn cung cấp 2.400m3/ngày đêm cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh. Do cống lấy nước từ sông Ba Lai bị đóng kín từ đầu tháng 1, trong khi nguồn tiêu thụ quá nhiều, không có nguồn nước bổ sung nên nước trong hồ bị cạn trơ đáy. Riêng việc nước hồ kênh Lấp bị nhiễm mặn, đơn vị quản lý khai thác cho rằng nước bên trong hồ có độ mặn dưới 2g/lít trong khi độ mặn của nước bên ngoài hồ hơn 7g/lít là… chấp nhận được.
Thi nhau xây “siêu hồ chứa nước ngọt” có khả thi?
Tuy nhiên, thông tin “siêu hồ chứa nước ngọt” kênh Lấp bị nhiễm mặn và cạn trơ đáy, không phát huy được tác dụng trong mùa khô hạn năm nay đã khiến nhiều địa phương ở miền Tây Nam bộ giật mình. Trước đó, khi tỉnh Bến Tre xây dựng hồ kênh Lấp và cho rằng “nước mặn bất khả xâm phạm” thì nhiều tỉnh miền Tây đã “học tập kinh nghiệm” và bỏ tiền đầu tư xây “siêu hồ chứa nước ngọt”.
Tại tỉnh Hậu Giang, 1 hồ chứa nước ngọt rộng 50 héc-ta đang được xây dựng ở xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy) với vốn đầu tư hơn 160 tỉ đồng, kỳ vọng cấp nước ngọt cho hơn 260.000 dân của huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh. Ngoài việc cấp nước sạch, “siêu hồ” này được kỳ vọng sẽ giúp tỉnh ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển du lịch sinh thái.
Không có nước ngọt từ “siêu hồ” kênh Lấp, người dân phải mua nước từ xe máy cày với giá 100.000 đồng/m3 để ăn uống - Ảnh: Thanh Anh
Ở Cà Mau, dự án 1 “siêu hồ chứa nước ngọt” rộng từ 190 - 200 héc-ta sẽ được xây dựng với kinh phí khoảng 20 triệu USD (dự kiến vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới - WB). Trong khi đó nhiều tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng đang nghiên cứu các dự án xây dựng “siêu hồ chứa nước ngọt”.
Thậm chí có người còn cho rằng trước tình hình xâm nhập mặn, khô hạn và biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt thì trong tương lai mỗi tỉnh nên xây dựng vài hồ chứa nước ngọt với quy mô lớn. Có ý kiến còn cho rằng, Nhà nước cần đầu tư các dự án chặn dòng những con sông lớn trong vùng để biến thành “hồ chứa nước ngọt” như dự án cống đập sông Ba Lai ở tỉnh Bến Tre.
Ông Nguyễn Đ.Q., 1 người công tác lâu năm trong ngành thủy lợi cho rằng việc các địa phương xây dựng kế hoạch trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân cần phải tính toán thật kỹ càng. Theo ông Q., phần lớn vùng ĐBSCL có nền đất phèn, mặn tiềm tàng nên nếu xây các “siêu hồ nước ngọt” mà không xử lý đến nơi đến chốn nền đáy thì chẳng bao lâu nước trong hồ cũng bị nhiễm phèn, mặn.
Hơn nữa, không thể xây dựng được những hồ trữ nước với quy mô đủ để bảo đảm nước ngọt phục vụ sản xuất cho toàn vùng, cũng không thể ngăn chặn các con sông lớn để biến thành hồ chứa nước ngọt vì không khả thi, mà dự án cống đập Ba Lai là ví dụ điển hình.
“Xây dựng các “siêu hồ chứa nước ngọt” đòi hỏi kỹ thuật rất hiện đại và nguồn kinh phí rất lớn bởi nếu không xử lý kỹ thuật tốt, khi nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền thì hồ nước ngọt cũng khó tránh khỏi bị nhiễm mặn, biến thành hồ chứa nước mặn; hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng xem như… đem muối bỏ biển”, ông Q. nói.
Thanh Anh