Nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh được lỗi cố ý gián tiếp của bệnh nhân 1342 thì đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bệnh nhân 1342 liệu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Lam Thanh | 03/12/2020, 17:32

Nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh được lỗi cố ý gián tiếp của bệnh nhân 1342 thì đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trưa 3.12, Công an TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” tại TP.HCM.

cach-ly.png
Không tuân thủ cách ly dẫn đến lây lan dịch bệnh - Ảnh minh họa

Tại họp báo, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho biết, từ thông tin chính thức trên webstie của Bộ Y tế về BN1342, Công an Thành phố đã xác minh, điều tra và xác định có dấu hiệu hành vi lây lan dịch bệnh nguy hiểm.

Căn cứ các dấu hiệu liên quan thu được, ngày 3.12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo điều 240 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan điều tra xác định hành vi lây lan dịch bệnh COVID-19 cho người khác đã gây hậu quả nghiêm trọng, vì vậy phải xử lý bằng chế tài nghiêm khắc.

Dư luận hiện cũng quan tâm về trách nhiệm của bệnh nhân 1342. Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về điều này, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết bệnh nhân này đã không tuân thủ các biện pháp cách ly tại nhà, vi phạm rất nghiêm trọng về phòng chống COVID-19 tại khu cách ly tập trung và đề nghị xử lý nghiêm theo quy định.

BN 1342 là tiếp viên hàng không Vietnam Airlines. Đây là trường hợp mắc COVID-19 lây nhiễm thứ phát từ trường hợp về từ vùng dịch đã được ngành y tế TP.HCM điều tra và xử lý.

Theo quy định của pháp luật, khi Thủ tướng Chính phủ đã công bố tình trạng dịch bệnh thì việc áp dụng các biện pháp để phòng và chống dịch phải thực hiện theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo ông Hùng, cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ hành vi của bệnh nhân 1342 và 1347 khi có hành vi không thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cũng như tiếp xúc gần với nguy cơ lây bệnh nhưng lại đi lại và tiếp xúc với nhiều người trong thời gian cách ly ở mức độ như thế nào. Từ đó sẽ có căn cứ để xem xét xác định trách nhiệm pháp lý là xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư này, nếu hai bệnh nhân nhận thức được mình thuộc một trong các trường hợp phải cách ly y tế nhưng cố tình đi lại và tiếp xúc nhiều người, không thực hiện các biện pháp an toàn thì hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 117/2020 của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với mức xử phạt từ 5-10 triệu đồng.

“Có nhiều chứng cứ rõ ràng về việc đi lại, tiếp xúc, sinh hoạt của bệnh nhân này làm nhiều người bị lây bệnh. Vấn đề còn lại là chứng minh bệnh nhân này có hành vi vi phạm pháp luật hay không, có làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng hay không?” - ông Hùng nêu quan điểm.

Theo đó, nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh được lỗi cố ý gián tiếp (nhận thức được việc không thực hiện tốt biện pháp cách ly của mình là vi phạm pháp luật, nhận thức được rằng bản thân mình đang mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh, nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là tiếp xúc với nhiều người, bỏ mặc hậu quả dịch bệnh lây lan có thể xảy ra và hậu quả cuối cùng dịch bệnh đã xảy ra, làm lây lan dịch bệnh ra người khác) thì đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho nhiều người.

"Như vậy, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra. Họ có trách nhiệm phải chứng minh được các dấu hiệu cấu thành của tội danh này, trong đó phải chứng minh được bệnh nhân này có hành vi vi phạm pháp luật, có lỗi dẫn đến hậu quả dịch bệnh làm lây lan. Lỗi ở đây phải là lỗi cố ý (có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), thì bệnh nhân này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt của tội danh này là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm theo quy định tại khoản 1, điều 240 Bộ luật Hình sự", ông Hùng nêu.

Ông Hùng cũng nêu, trong trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh được lỗi cố ý (không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, không cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để bỏ mặc hậu quả việc lây lan dịch bệnh có thể xảy ra), thì không có cơ sở để xem xét trách nhiệm pháp lý.

Về nguyên tắc, ông Hùng nêu rằng trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật và đòi hỏi phải có yếu tố lỗi của người vi phạm. Lỗi ở đây là vấn đề nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi.

Vấn đề này cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh làm rõ và có kết luận làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trả lời những thắc mắc của dư luận và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa vi phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm.

"Việc chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng , nếu chứng minh được những vấn đề tôi phân tích thì việc khởi tố là có căn cứ, ngược lại không làm rõ được những vấn đề cấu thành tội thì việc khởi tố là không thuyết phục. Đây chỉ là khởi tố vụ án, không phải khởi tố bị can nên cơ quan điều tra vẫn trong quá trình điều tra xác minh để có căn cứ khởi tố bị can không. Về pháp lý mới khởi tố vụ án thì tôi đồng ý", ông Hùng chia sẻ.

Luật sư này cũng cho rằng vụ này không loại trừ trách nhiệm của Vietnam Airlines nên cần điều tra xác minh cụ thể lỗi của hãng hàng không này trong vụ lây lan dịch bệnh.

Trả lời câu hỏi tại họp báo về trách nhiệm của Vietnam Airlines, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết sau khi khởi tố vụ án hình sự, Công an TP.HCM sẽ điều tra toàn diện để xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Một số người có vấn đề liên quan đang chữa bệnh, cách ly nên cơ quan công an phải tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh.

Ông Quang cho biết thêm, cơ quan điều tra không có thẩm quyền nói về trách nhiệm của cơ quan quản lý ở các trung tâm cách ly, nhưng quá trình điều tra sẽ làm rõ ai đã vi phạm, vi phạm quy định nào. Về trách nhiệm của UBND các địa phương như quận Tân Bình, cơ quan điều tra sẽ công bố sau.

Ngoài ra, theo ông Quang, đây là vụ việc tại TP.HCM, các hành vi vi phạm trước đây ở các địa phương thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm xem xét theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện các quy định chưa phù hợp trong quá trình cách ly, phòng chống dịch, cơ quan điều tra sẽ kiến nghị điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ rõ các tổ chức, cá nhân đã vi phạm về phòng chống COVID-19 trong trường hợp này làm lây nhiễm bệnh ra cộng đồng:

Thứ nhất, BN1342 đã lây bệnh COVID-19 trong khu cách ly tập trung khi tiếp xúc với một bệnh nhân khác, trong khi theo quy định, khi cách ly y tế không được tiếp xúc với người khác.

Trước đó, toàn bộ thành viên cùng chuyến bay và tổ bay với BN1342 trong khu cách ly không có trường hợp nào dương tính, nhưng trong quá trình cách ly tập trung, bệnh nhân này đã tiếp xúc với BN 1325 và đây chính là nguồn lây sang trường hợp BN1342 trong khu cách ly. Đây là trường hợp đầu tiên lây trong khu cách ly.

Khi cách ly tại nhà, BN1342 cũng không thực hiện các quy định cách ly tại hộ gia đình như không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, không tụ tập tại nơi cách ly, giữ khoảng cách 2m với người tiếp xúc và phải đeo khẩu trang. Trường hợp BN347 đã lây từ BN1342 do không tuân thủ các quy định về cách ly tại nhà. Vi phạm của BN 1342 là rất nghiêm trọng.

Thứ hai, đối với khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý, đã không tuân thủ các quy định tại khu cách ly y tế phòng chống COVID-19 tại cơ sở cách ly tập trung.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, khi phát hiện 1 trường hợp dương tính thì đối tượng tiếp xúc phải được cách ly tập trung 14 ngày, nhưng BN1342 sau khi tiếp xúc với BN1325 lại được cho về cách ly tại nhà. Đây là vi phạm nghiêm trọng. Cơ sở cách ly này không thực hiện đúng các quy định về quản lý kiểm tra, giám sát cơ sở cách ly y tế tập trung dành cho tổ bay và các tiếp viên.

Thứ ba, người quản lý khu nhà trọ mà BN1342 về cách ly (tại phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) đã không tuân thủ các quy định về giám sát thực hiện cách ly y tế tại nhà.

Quy định này đã hướng dẫn rất rõ rằng, chủ cơ sở nhà trọ phải thông báo cho các hộ gia đình, người lưu trú tại nơi ở, nơi cư trú có người được cách ly về thông tin của người được cách ly, để mọi người biết, phối hợp thực hiện và tham gia giám sát...

Thứ tư, đối với chính quyền địa phương, UBND quận Tân Bình, UBND phường 2, quận Tân Bình, chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống COVID-19. Tổng công ty Hàng không Việt Nam có trách nhiệm liên đới khi không kiểm tra giám sát việc này.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất với Chính phủ xử lý phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm của BN1342 và các trường hợp có liên quan. Vì đây là trường hợp cố tình vi phạm để lây nhiễm COVID-19 cho người khác.

Đồng thời, đề nghị UBND các cấp các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 tại khu cách ly. Hiện nay, tất cả các văn bản liên quan hướng dẫn về cách ly phòng chống COVID-19 đều rất cụ thể và đầy đủ các trường hợp.

Bài liên quan
Lý do khởi tố hình sự vụ tiếp viên hàng không làm lây lan COVID-19
Cơ quan công an TP.HCM đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự vụ một tiếp viên hàng không làm lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh nhân 1342 liệu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?