Chuyên gia kinh tế, PGS - TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng sự thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trên internet đã đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) chuyển sang kinh tế số.

COVID-19 cũng góp phần thúc đẩy DN chuyển sang kinh tế số

Lam Thanh | 03/12/2020, 14:52

Chuyên gia kinh tế, PGS - TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng sự thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trên internet đã đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) chuyển sang kinh tế số.

DN chuyển mạnh sang kinh tế số

Đại dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ những tháng đầu năm 2020 và nhanh chóng lây lan tới Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến nền kinh tế Việt Nam suy giảm.

kinh-te.jpg
DN chuyển đổi sang kinh tế số

Hầu hết các DN trong nền kinh tế gặp khó khăn, đặc biệt là các DN vận tải, dịch vụ du lịch và một số ngành liên quan đến xuất nhập khẩu. Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý 1 đã tăng vọt lên 18,6 nghìn, tăng hơn 26% so với quý 1 năm 2019.

Đà tăng tiếp tục với 29,2 nghìn DN trong quý 2 và 38,6 nghìn DN trong quý 3, tức tăng hơn cùng kỳ năm trước 38,2% và 81,8%. Nhưng trong tháng 10, số lượng DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, khi đại dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội, nhiều DN đã chuyển mạnh sang quản lý và hoạt động giao tiếp qua internet và kinh tế số.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, cùng với sự thay đổi nhanh chóng từ mua sắm, tiêu dùng trực tiếp của các chủ thể trong xã hội dịch chuyển sang hành vi mua sắm, tiêu dùng trên internet, từ đó đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc đã thúc đẩy các DN chuyển mạnh sang kinh tế số.

Ông Thịnh cho rằng hoạt động trực tuyến đã trở nên quen thuộc và thu hút sự tham gia của nhiều DN trong nền kinh tế. Các giao dịch giữa các DN, các hợp đồng cung cấp nguyên nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị… đã được nhiều DN thực hiện thông qua mạng internet, qua các thông tin trên các sàn điện tử.

“Đây có thể xem là bước đột phá của DN Việt Nam trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khi ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số nhiều hơn trong quản trị và vận hành sản xuất kinh doanh”, ông Thịnh nói.

Điều này dẫn đến hoạt động thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt đã có bước tăng trưởng nhanh nhất từ trước tới nay. Do vậy, trong tình trạng chung của sự sụt giảm của thị trường bán lẻ thì lĩnh vực thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng đáng kể.

Theo chuyên gia này, việc này đã góp phần giúp cho chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hoá 10 tháng vẫn có mức tăng trưởng 6,1% so cùng kỳ năm trước và góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm được các DN sản xuất cung ứng.

Thích nghi thế nào với giai đoạn “bình thường mới”?

Ông Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng sự phát triển của thương mại điện tử cũng là cơ hội để các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến điện tử và linh kiện điện tử, ngành ứng dụng công nghệ và các ngành cung cấp dịch vụ điện tử phát triển mạnh mẽ, liên tục tăng trưởng và có hiệu quả khi nền kinh tế chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”.

Chuyên gia này cũng cho rằng hầu hết các DN trong nền kinh tế ứng phó bằng việc chuyển hướng sang hành động thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, nhất là tập trung vào thiết kế lại sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thực tế mới. Trong đó, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo, cắt giảm chi phí, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, nắm bắt thay đổi thị trường...

dinh-thinh.jpg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Đối với các DN du lịch, hàng không, vận chuyển, ông Thịnh cho rằng để trụ vững trên thị trường, các DN đã xác định lại thị trường và hoạt động chủ yếu là hướng vào thị trường nội địa, tái cấu trúc toàn diện sản phẩm cho đến lúc Chính phủ các quốc gia cho phép mở cửa trở lại.

“Muốn có thị phần nội địa tăng lên và phát triển ổn định các DN cần đổi mới sáng tạo toàn bộ các sản phẩm, cũng như hệ thống vận hành phải đáp ứng yêu cầu thị hiếu khách hàng trong bối cảnh mới”, ông Thịnh nói.

Khi nền kinh tế chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, ông Thịnh cho rằng hầu hết các DN đã nắm bắt lại các nguồn truyền thống cung ứng vật tư, nguyên vật liệu, linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tìm kiếm các nguồn cung ứng mới, tránh bị phụ thuộc quá mức vào một nguồn cung đầu vào.

“Đối với việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nhiều DN đã kịp thời thay đổi chiến lược kinh doanh bằng cách đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, không ít DN gặp khó khăn cả trong việc tiêu thụ ở thị trường nội địa và cả ở các thị trường xuất khẩu”, ông Thịnh nói.

Nhiều tín hiệu lạc quan ở quý 4/2020

Kết thúc quý 3/2020, nhiều DN có nhận định tích cực về tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý 4 và các tháng cuối năm 2020.

Qua kết quả điều tra các DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã nhìn thấy sự hồi phục đáng kể các DN làm ăn, kinh doanh có kết quả tốt và ổn định. Số các DN phản ánh gặp khó khăn đã giảm đi đáng kể trong quý 2 và quý 3.

Đặc biệt, số DN dự báo gặp khó khăn trong quý 4 chỉ còn 19% phản ánh tốc độ phục hồi mạnh mẽ của khu vực DN trong những tháng còn lại của năm 2020.

Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng để có thể giúp các DN phục hồi và tăng trưởng, các DN sẽ phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong quá trình chuyển hóa và thích ứng với hoàn cảnh mới.

Theo ông Thịnh, cộng đồng DN cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, các cơ quan hữu quan như các Hiệp hội DN, các Thương vụ Đại sứ quán trong việc tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm, đa dạng hóa các nguồn nguyên, nhiên, vật liệu, linh phụ kiện đầu vào cho các ngành sản xuất để tránh bị phụ thuộc vào thị thị trường một vài quốc gia, đồng thời đáp ứng các điều kiện để được hưởng các ưu đãi từ các FTA.

Chuyên gia này cũng cho rằng trong điều kiện nhiều quốc gia vẫn kiềm chế việc mở cửa biên giới và để tiết kiệm thời gian, chi phí tìm hiểu và kết nối, các DN cũng mong muốn được cơ quan chức năng hỗ trợ trong việc tìm kiếm thị trường, kết nối các đối tác để có thêm nhiều đơn hàng từ các thị trường truyền thống và các thị trường mới. Điều này sẽ giúp DN có thể giải quyết đầu ra của sản xuất và xuất khẩu.

Để giải quyết khó khăn về tài chính của các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, ông Thịnh cho rằng rất cần sự vào cuộc của Chính phủ trong việc xem xét cơ chế chính sách để một cơ quan hoặc các Hiệp hội ngành nghề có thể bảo lãnh vay vốn cho các DN với chi phí và lãi suất hợp lý.

Bài liên quan
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: ‘DN nhỏ và vừa chưa được đối xử bình đẳng’
“Thời gian qua, việc tạo điều kiện để cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn, thị trường cũng như khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất thì chúng ta chưa làm được, đem đến cảm giác nhóm doanh nghiệp này chưa được đối xử bình đẳng trên thị trường” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COVID-19 cũng góp phần thúc đẩy DN chuyển sang kinh tế số