Những ngày sau Tết Quý Mão 2023, bệnh nhân đột quỵ tăng cao, nhiều bệnh viện quá tải bệnh nhân đột quỵ khiến việc xử lý không kịp thời, bệnh nhân đối diện nguy cơ tử vong vì không còn “thời gian vàng”.

Bệnh nhân đột quỵ tăng đột biến sau Tết gây quá tải bệnh viện

Hồ Quang | 14/02/2023, 18:40

Những ngày sau Tết Quý Mão 2023, bệnh nhân đột quỵ tăng cao, nhiều bệnh viện quá tải bệnh nhân đột quỵ khiến việc xử lý không kịp thời, bệnh nhân đối diện nguy cơ tử vong vì không còn “thời gian vàng”.

Bệnh nhân đột quỵ tăng gần gấp đôi

Những ngày này các bệnh viện liên tục tiếp nhận những bệnh nhân đột quỵ đến điều trị, trong đó có cả những bệnh nhân trẻ tuổi, bệnh nhân lớn tuổi, có những người đến kịp “thời gian vàng”, tức trong vòng 3 giờ đầu sau khi bị đột quỵ, nhưng cũng có không ít người đến không kịp nên hiệu quả điều trị thấp.

benh-nhan-dot-quy-tang-dot-bien-sau-tet-gay-qua-tai-benh-vien-hinh-anh(1).png
Liên tục những bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ - Ảnh: PV

Tại nhiều bệnh viện, bệnh nhân đột quỵ tăng khủng khiếp khiến trở nên quá tải. Tại Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ - một bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong những ngày qua, bệnh nhân đột quỵ cấp cứu tại đây “đông như quân Nguyên” khiến hơn 250 giường nội trú không thấm thía gì.

Các bác sĩ ở đây phải kê thêm rất nhiều giường tạm tại Khoa Cấp cứu, nhưng bệnh nhân đột quỵ cứ mỗi lúc một đông, khiến bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chẩn đoán, điều trị.

Nhiều bệnh nhân không có giường nằm, người nhà bệnh nhân phải thông qua người quen để “cầu cứu” Ban Giám đốc bệnh viện nhằm có giường nằm, điều chưa từng xảy ra từ trước đến nay tại bệnh viện này.

Theo TS-BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, hiện số lượng bệnh nhân đột quỵ cấp cứu tại đây mỗi ngày lên đến khoảng 30 người.

“Trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 60 trường hợp, trong đó có đến gần 50% là các trường hợp bị đột quỵ. Như vậy với số bệnh nhân đột quỵ nhập viện mỗi ngày hiện nay tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước Tết Quý Mão 2023”, bác sĩ Cường cho biết.

Điều này khiến khoảng 250 giường nội trú tại bệnh viện này không còn chỗ trống. Bệnh viện phải tận dụng một số khoa phòng như: Khoa Vật lý trị liệu, Khoa Cấp cứu… để kê thêm giường cho bệnh nhân. “Do các khoa phòng hết giường nằm, chúng tôi buộc phải kê thêm giường ở Khoa Cấp cứu, Khoa Vật lý trị liệu… cho bệnh nhân nằm để chờ giường nội trú. Công suất của Khoa Cấp cứu chỉ dưới 20 giường bệnh, nhưng chúng tôi phải kê thêm lên đến hơn 30 giường, gần như bít kín cả lối đi”, bác sĩ Cường cho biết.

Cần có hệ thống cấp cứu đột quỵ rải đều khắp nước

Theo bác sĩ Cường, nguyên nhân của tình trạng bệnh đột quỵ tăng nhanh sau Tết Quý Mão 2023 là tình trạng lạm dụng rượu, bia, thuốc lá... gia tăng. Đây là thời điểm “gánh chịu” hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia trong những ngày tết, cùng với đó là sự ít vận động, thói quen sinh hoạt sau Tết.

benh-nhan-dot-quy-tang-dot-bien-sau-tet-gay-qua-tai-benh-vien-hinh-anh-1.png
Bệnh nhân tại các khoa, phòng của Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ đều quá tải - Ảnh: PV

Ngoài ra, tâm lý của nhiều người là không đi khám bệnh sau tết, vì ngại khám bệnh đầu năm, chỉ đến khi bệnh trở nặng mới đi khám. “Có những ca đột quỵ vào bệnh viện, đường huyết lên rất cao đến 300 - 400mg/dL, hôn mê sâu”, bác sĩ Cường nói.

Bác sĩ Cường cũng cho biết thêm: “Nếu người dân không có kiến thức về đột quỵ sẽ khiến việc điều trị đột quỵ rơi vào tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Điều này có nghĩa các bác sĩ thì làm tốt công tác chuyên môn, điều trị bệnh nhân đột quỵ một cách tốt nhất, nhưng sức khỏe cộng đồng thì ít được người dân quan tâm khiến cho bệnh đột quỵ gia tăng, và ngày càng gia tăng, gây khó khăn lớn cho ngành y tế”.

Để xử lý tình trạng quá tải, để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân đột quỵ, bác sĩ Cường cho biết bệnh viện đang làm hồ sơ xin UBND TP.Cần Thơ cũng như lãnh đạo các sở ngành có liên quan có sự hỗ trợ trong việc mở rộng bệnh viện.

“Hiện chúng tôi chỉ còn kẹt thủ tục hành chính về đất đai. Nếu được chính quyền giao đất trống chúng tôi sẽ khởi công xây dựng ngay lập tức. Có thể chúng tôi sẽ xây thêm một bệnh viện có số lượng giường bệnh lên đến 500 giường, gấp đôi số giường hiện tại thì mới hy vọng giảm tải, đáp ứng được nhu cầu điều trị bệnh nhân đột quỵ tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, bác sĩ Cường nói.

Đề cập đến chiến lược lâu dài để giảm tải cũng như phát triển hệ thống cấp cứu đột quỵ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, theo bác sĩ Cường, trong giai đoạn đầu cần kết nối các bệnh viện ở khu vực này với nhau, khi bệnh nhân chuyển đến một bệnh viện chưa có khả năng điều trị đột quỵ thì phải chuyển ngay đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ.

Song song đó, phải phân tầng các mức đột quỵ. Theo đó, các bệnh viện tuyến quận-huyện có thể sơ cứu bệnh nhân, chẩn đoán ban đầu về đột quỵ và chuyển ngay đến bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ; đồng thời đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực có thể can thiệp huyết khối, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại…

“Không phải tất cả các bệnh viện đều chữa trị được đột quỵ nên việc liên kết, hỗ trợ, hợp tác giữa các bệnh viện là rất cần thiết”, bác sĩ Cường nói.

Với tình trạng đột quỵ ngày càng gia tăng như hiện nay, để có thể cứu chữa kịp thời, bác sĩ Cường cho rằng trong tương lai cần có hệ thống cấp cứu đột quỵ rải đều khắp cả nước. Cứ bán kính khoảng 2 giờ chạy xe ô tô phải có ít nhất 1 trung tâm cấp cứu đột quỵ để có thể can thiệp đột quỵ, từ chẩn đoán, tiêm thuốc tan máu đông, đến điều trị dự phòng, phục hồi chức năng…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh nhân đột quỵ tăng đột biến sau Tết gây quá tải bệnh viện