Ngoài hỗ trợ lập 2 bệnh viện dã chiến, 13 nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy còn lên đường tới Kiên Giang tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Bệnh viện Chợ Rẫy giúp Kiên Giang lập 2 bệnh viện dã chiến chống dịch COVID-19

Hồ Quang | 19/04/2021, 15:56

Ngoài hỗ trợ lập 2 bệnh viện dã chiến, 13 nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy còn lên đường tới Kiên Giang tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở các nước láng giềng phía tây nam, tỉnh Kiên Giang được nhận định là địa phương có nguy cơ cao bị dịch bệnh xâm nhập. Trưa nay 19.4, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử 13 nhân viên y tế thuộc đội phản ứng nhanh đến Kiên Giang trực tiếp hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại đây.

Trước giờ đội phản ứng nhanh lên đường, TS-BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức họp khẩn với các thành viên đội phản ứng nhanh để phân công nhiệm vụ cho từng thành viên của đoàn.

cho-ray-ho-tro-kien-giang-lap-2-benh-vien-da-chien-chong-dich-covid-19-hinh-anh-1.png
TS-BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chủ trì buổi họp khẩn với các thành viên đội phản ứng nhanh trước giờ lên đường đến Kiên Giang để hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại đây - Ảnh: N.H

Bác sĩ Thức cho biết 13 thành viên được chọn từ nhiều khoa, phòng khác nhau, như Hồi sức cấp cứu, Cấp cứu, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh nhiệt đới, Thận nhân tạo, Sinh hóa, Vi sinh… Các thành viên trong đội phản ứng nhanh đến hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại Kiên Giang lần này có nhiều bác sĩ kinh nghiệm trong công tác chống dịch COVID-19, trong đó có BSCK2 Trần Thanh Linh - Phó khoa Hồi sức cấp cứu; Ths-BS Võ Ngọc Anh Thơ - Phó khoa Bệnh nhiệt đới; TS-BS Phùng Mạnh Thắng - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn… đã từng trực tiếp hỗ trợ chống dịch COVID-19 ở Gia Lai, tâm dịch Đà Nẵng, Hải Dương…

Theo bác sĩ Thức, nhiệm vụ chính của đội phản ứng nhanh lần này là phối hợp cùng chính quyền, Bộ Chỉ huy biên phòng và Ban Chỉ đạo phòng chống COVID -19 địa phương khảo sát, phân luồng, xây dựng khẩn cấp 2 bệnh viện dã chiến ở TP.Hà Tiên (quy mô khoảng 300 - 500 giường) và TP.Rạch Giá (có thể trên 500 giường).

Bên cạnh đó, các nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng sẽ phối hợp xây dựng một đơn vị hồi sức tích cực (ICU), có đủ các trang thiết bị hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nặng (bao gồm cả hệ máy ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu, chạy thận nhân tạo) tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên, nơi được xác định là đơn vị tuyến đầu tại địa phương trong tiếp nhận, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

cho-ray-ho-tro-kien-giang-lap-2-benh-vien-da-chien-chong-dich-covid-19-hinh-anh(1).png
Các thành viên trong đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường đến Kiên Giang hỗ trợ cho địa phương này phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: N.H

Trước đó, ngày 18.4, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đoàn công tác của Bộ Y tế do GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn cùng ban lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến làm việc tại tỉnh Kiên Giang, kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, với hơn 56km đường biên giới chung với Campuchia trên đường bộ lẫn trên biển, cùng hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ, Kiên Giang là địa phương có “đường biên dài, vùng biển rộng nhưng khoảng cách nhỏ”, nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Kiên Giang, đặc biệt là khu vực biên giới tại TP. Hà Tiên là rất lớn. Do vậy, công tác phòng chống dịch cần được triển khai quyết liệt, chặt chẽ toàn diện, các phương án, kịch bản phòng chống và ngăn ngừa dịch COVID-19 cần được chuẩn bị và xây dựng kỹ lưỡng, sẵn sàng cho nhiều tình huống khác nhau của dịch bệnh.

Để chủ động các phương án, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác điều trị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng địa phương xây dựng các phương án thành lập các khu vực điều trị có thể tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân nặng đến rất nặng; tập huấn, hướng dẫn để ngành y tế địa phương có thể làm chủ các kỹ thuật khó trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, hay thậm chí là kỹ thuật ECMO để thực hiện tốt đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế cũng giao Viện Pasteur TP.HCM làm việc với địa phương nhằm hỗ trợ thiết lập các labo xét nghiệm đủ tiêu chuẩn tại Hà Tiên và Bệnh viện đa khoa tỉnh để nâng cao năng suất và năng lực xét nghiệm tại chỗ cho TP.Hà Tiên và tỉnh Kiên Giang.

Bài liên quan
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình làm Bí thư Thành ủy Cần Thơ
Chiều 17.1, Thành ủy Cần Thơ tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh viện Chợ Rẫy giúp Kiên Giang lập 2 bệnh viện dã chiến chống dịch COVID-19