Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khẳng định, trong suốt thời gian thực hiện đề án liên kết chuyên môn với Bệnh viện đa khoa Hồng Đức, bệnh viện chưa hề nhận được bất kỳ phản ánh nào từ bệnh nhân hay người nhà.
Chỉ thu của bệnh nhân hơn 17 triệu đồng, không phải hơn 28,5 triệu đồng
Liên quan đến thông tin Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM “câu” bệnh nhân ra ngoài bệnh viện tư để mổ và phản hồi thiếu trung thực, ngày 17.3, đại diện Ban giám đốc Bệnh viện Ung Bướu cho biết không thể cung cấp biên lai thanh toán chi phí điều trị bệnh nhân cho cơ quan truyền thông, vì đó là sự riêng tư cá nhân của bệnh nhân. Trước đó, bệnh viện cũng không nắm rõ thông tin mà báo chí phản ánh là bệnh nhân nào.
“Nói thật, qua 7 năm triển khai đề án liên kết chuyên môn với Bệnh viện đa khoa Hồng Đức, có hàng ngàn bệnh nhân được hưởng tiện ích từ đề án, bệnh viện chưa hề nhận được bất kỳ phản ánh nào từ bệnh nhân hay người nhà, cũng chưa nhận được thư bạn đọc chuyển đến từ bất kỳ cơ quan báo chí nào, kể cả trường hợp mà báo chí vừa phản ánh”, lãnh đạo Bệnh viện Ung Bướu cho biết.
Liên quan đến vụ việc một ca mổ u tuyến giáp có giá 11 triệu đồng tại Bệnh viện Ung Bướu, nhưng bệnh viện này “câu” bệnh nhân qua Bệnh viện đa khoa Hồng Đức mổ với giá lên đến hơn 28,5triệu đồng cao gần gấp 3 lần mà báo chí phản ánh, Bệnh viện Ung Bướu cho biết đây chỉ là số tiền đóng tạm ứng, đến ngày bệnh nhân xuất viện (11.3.2022) , Bệnh viện Hồng Đức đã hoàn trả lại số tiền hơn 11 triệu đồng.
Như vậy, tổng chi phí thực tế bệnh nhân phải thanh toán là hơn 17 triệu đồng, trong đó 6 triệu đồng đồng chi phí phẫu thuật (vẫn được giữ nguyên từ khi đề án được Sở Y tế phê duyệt từ năm 2015 đến nay cho phẫu thuật cắt thùy giáp). Trong 6 triệu đồng chi phí phẫu thuật này, Bệnh viện Ung Bướu sẽ được nhận 70% để bồi dưỡng cho kíp phẫu thuật và nộp vào ngân sách chung của bệnh viện. Trên 11 triệu đồng chi phí còn lại là tiền giường, xét nghiệm, thuốc, vật tư, dịch vụ đi kèm khác…
“Bệnh viện Hồng Đức thu theo phát sinh trên thực tế, Bệnh viện Ung Bướu không hưởng thêm bất kỳ khoản nào từ các khoản này”, đại diện Ban giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khẳng định.
Bệnh nhân được tư vấn và tự nguyện chọn với mức giá trên
Lý giải về việc con số hơn 17 triệu đồng mà Bệnh viện Ung Bướu “câu” qua Bệnh viện Hồng Đức để mổ vẫn cao hơn nhiều so với mổ tại bệnh viện này chỉ 11 triệu đồng, Bệnh viện Ung Bướu cho rằng, do bệnh viện tư này có cơ sở vật chất, phòng bệnh khang trang hơn, các dịch vụ tăng thêm để phục vụ cho bệnh nhân đa dạng hơn so với Bệnh viện Ung Bướu.
Mặt khác, bệnh viện tư được quyền thu khấu hao trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, được tính đúng tính đủ giá viện phí, trong khi đến nay, các bệnh viện công chỉ được tính 5/7 cấu thành giá viện phí.
Dù vậy, Bệnh viện Ung Bướu cho biết tất cả các chi phí dự kiến đều được bệnh viện công khai tư vấn trước, còn quyền quyết định là do bệnh nhân - tùy theo khả năng tài chính của người bệnh.
Khi bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Hồng Đức thì bệnh viện này sẽ thực hiện các xét nghiệm liên quan đến cuộc phẫu thuật bao gồm xét nghiệm tiền phẫu và theo dõi hậu phẫu. Bệnh viện Hồng Đức sẽ không làm lại các xét nghiệm cận lâm sàng mà Bệnh viện Ung Bướu đã làm, trừ khi có những diễn biến về mặt chuyên môn mà chuyên gia Bệnh viện Ung Bướu cho ý kiến cần phải làm thêm để đảm bảo chất lượng điều trị.
“Việc bệnh nhân chọn dịch vụ tại Bệnh viện Hồng Đức là hoàn toàn toàn tự nguyện, vì muốn được phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng đến công việc. Tất cả quy trình chuyển viện, tư vấn đều thực hiện đúng theo quy chế chuyên môn, chứ không có chuyện chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Hồng Đức để mổ một cách khẩn trương mà không có tư vấn hướng dẫn”, lãnh đạo Bệnh viện Ung Bướu nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 16.3, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có văn bản khẩn đề nghị Sở Y tế TP.HCM báo cáo về việc Bệnh viện Ung bướu "câu" bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ.
Theo đó, Cục quản lý khám chữa bệnh nhận được phản ánh về việc “Bệnh viện Ung bướu TP.HCM câu bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ dưới mác liên kết chuyên môn”.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TP khẩn trương xác minh, làm rõ các thông tin, phản ánh trên và có biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật ( nếu có); khẩn trương có báo cáo về Bộ Y tế và công khai trên các cơ quan truyền thông. Đồng thời, báo cáo kết quả về Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trước ngày 24.3.2022.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế TP tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập thực hiện nghiêm việc khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh chữa bệnh, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản có liên quan.