Người phụ nữ 53 tuổi ở TP.HCM bị đột quỵ xuất huyết não nặng, trong tình trạng nguy kịch nhưng người nhà quyết định không điều trị tại các cơ sở y tế ở TP.HCM mà "đi ngược" gần 200km đến Cần Thơ để chữa trị và đã thoát chết ngoạn mục.
Thông tin Y học

Bị đột quỵ nguy kịch ở Sài Gòn, bệnh nhân 'ngược' đến Cần Thơ chữa trị và đã thoát chết

Hồ Quang 17:41 31/05/2024

Người phụ nữ 53 tuổi ở TP.HCM bị đột quỵ xuất huyết não nặng, trong tình trạng nguy kịch nhưng người nhà quyết định không điều trị tại các cơ sở y tế ở TP.HCM mà "đi ngược" gần 200km đến Cần Thơ để chữa trị và đã thoát chết ngoạn mục.

Bà P.T.H (53 tuổi, sống ở TP.HCM) có tiền sử cao huyết áp nhiều năm nay. Sáng 6.5 bà đột ngột đau đầu dữ dội, được gia đình đưa vào bệnh viện gần nhà thì rơi vào hôn mê phải thở máy. Chẩn đoán ban đầu là đột quỵ xuất huyết dưới nhện, đã chụp DSA mạch máu não cùng ngày nhưng không phát hiện túi phình.

soc-bi-dot-quy-nguy-kich-o-sai-gon-nhung-di-den-can-thoi-chua-tri-va-da-thoat-chet-hinh-anh.png
Sau 3 tuần điều trị, bệnh nhân P.T.H đã được cứu sống - Ảnh: BVCC

Mặc dù trước nguy cơ bà H. có thể tử vong trên xe vận chuyển nhưng gia đình đã có một quyết định “lạ lùng” là đưa bệnh nhân đi một quãng đường dài gần 200km đến Cần Thơ chữa trị, mà không chữa trị tại các cơ sở y tế lớn ở TP.HCM.

Sau khi vượt quãng đường dài gần 200km, bà H. đã đến Bệnh viện đa khoa S.I.S Cần Thơ để chữa trị. Tại đây, bà được điều trị hồi sức tích cực và sau 1 tuần được chụp DSA mạch máu não lần 2 để tìm nguyên nhân. Kết quả chụp DSA tại S.I.S ghi nhận túi phình cổ rộng ở đoạn động mạch cảnh trong bên phải.

Bác sĩ Nguyễn Đào Nhật Huy (đơn vị DSA) nhận định túi phình cổ rộng ở đoạn động mạch cảnh trong bên phải là nguyên nhân gây xuất huyết dưới nhện làm bệnh nhân hôn mê.

soc-bi-dot-quy-ngy-kich-o-sai-gon-benh-nhan-di-nguoc-den-can-tho-chua-tri-va-da-thoat-chet-hinh-anh.png
Kết quả chụp DSA cho thấy bệnh nhân bị túi phình cổ rộng ở đoạn động mạch cảnh trong bên phải - Ảnh: BVCC

“Với túi phình cổ rộng, việc điều trị đơn thuần như đặt coils thì không khả thi, còn nếu đặt stent chuyển dòng như thông thường về kỹ thuật thì thuận lợi, nhưng đối với bệnh nhân đang xuất huyết thì lại không thể dùng thuốc chống tắc stent liều cao (kháng kết tập tiểu cầu kép), tình huống này vô cùng khó khăn. Chúng tôi quyết định đặt stent thông thường (có lỗ thưa) ít bị huyết khối để che cổ túi phình, sau đó mới đặt coils giúp coils cố định được vị trí”, bác sĩ Huy cho biết.

May mắn, sau 2 giờ can thiệp, túi phình đã được bít hoàn toàn bằng coils cũng như stent nở tốt. Sau đó bà H. tiếp tục được điều trị nội khoa tối ưu: thở máy, chống co thắt mạch… Tình trạng ngày càng được cải thiện, với lượng máu qua chụp CT cũng giảm dần. “Sau 3 tuần, bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn không để lại di chứng”, bác sĩ Huy thông tin.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Huy khuyến cáo, nếu trường hợp bệnh nhân bị đau đầu kéo dài mà sử dụng thuốc không thuyên giảm, thì nên kiểm tra sớm để loại trừ tình trạng phình mạch, tránh để túi phình quá to có thể vỡ ra gây xuất huyết não.

Bài liên quan
Đột quỵ cần có sự hỗ trợ điều trị đa chuyên khoa để phục hồi nhanh nhất
Lần đầu tiên một hội nghị chuyên ngành đột quỵ dành riêng cho điều dưỡng, kỹ thuật viên được tổ chức vào 27-28.10 tại Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân dự chương trình Xuân quê hương tại Ba Lan
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối 17.1, giờ địa phương, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã dự chương trình “Xuân quê hương Ất Tỵ 2025,” chung vui với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị đột quỵ nguy kịch ở Sài Gòn, bệnh nhân 'ngược' đến Cần Thơ chữa trị và đã thoát chết