Ngứa mắt nhiều, hai mắt bờ mi sưng đỏ, người phụ nữ bất ngờ khi bác sĩ lấy ra hàng chục con rận và trứng rận ký sinh trên mi mắt.
Bà K.L (51 tuổi, quê Long An) đến bệnh viện khám với tình trạng ngứa vùng quanh mi mắt, bờ mi sưng đỏ. Theo lời bà L., thời gian gần đây tình trạng ngứa mi ngày càng nặng hơn, gây khó chịu, cảm giác nặng mi mắt, nhất là vào ban đêm. Bà L. quyết định tìm đến khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An để thăm khám.
Soi mắt bệnh nhân dưới kính hiển vi, bác sĩ bất ngờ phát hiện dưới lớp vảy mi mắt có nhiều con rận mu mắt bám chi chít. Trên lông mi, trứng rận xâu thành chuỗi. Bác sĩ đã tiến hành gắp ra hàng chục con rận bám chặt vào mi mắt, xử lý trứng rận trên lông mi, đồng thời hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh mắt.
Theo BSCK2 Trần Văn Thiện Em, Trưởng khoa Mắt, rận mi hay còn gọi là rận mu hoặc rận lông mu, rận bẹn, được truyền qua tiếp xúc cơ thể như hôn, quan hệ tình dục hoặc các tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Ngoài ra, rận mu còn có thể lây qua chăn, chiếu, mùng mền, quần áo, khăn tắm… khi dùng chung.
“Khi bị rận mi, bệnh nhân có thể cảm thấy ngứa, sẩn đỏ mắt hoặc có các vảy màu đỏ sẫm ở mi và lông mi. Nếu để ý kỹ sẽ thấy trứng và rận trưởng thành. Có thể ở một mắt hay hai mắt”, bác sĩ Thiện Em nói.
Phân tích của bác sĩ Em cho thấy rận có tốc độ sinh sôi nảy nở nhanh, gây khó chịu khi ký sinh trên cơ thể người, nguy cơ viêm nhiễm vùng bị ký sinh, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài ra, rận có thể lây cho những người xung quanh, nhất là những người sống trong cùng một nhà.
“Người dân khi có triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu ở mắt, bộ phận sinh dục, hậu môn, nách... cần đến các phòng khám chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện và can thiệp kịp thời”, bác sĩ Thiện Em khuyến cáo.