Theo TS-BS Nguyễn Minh Đức, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh nhân ung thư có nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim… cao gấp 2 lần so với những người bình thường.
Thông tin Y học

Bệnh nhân ung thư có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2 lần so với người bình thường

Hồ Quang 06/12/2023 22:40

Theo TS-BS Nguyễn Minh Đức, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh nhân ung thư có nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim… cao gấp 2 lần so với những người bình thường.

Theo Hội đột quỵ Việt Nam, trung bình mỗi năm nước ta có hơn 200.000 người bị đột quỵ, cứ 6 người thì có 1 người có nguy cơ đột quỵ. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10 - 15%.

benh-nhan-ung-thu-co-nguy-co-dot-quy-cao-gap-2-lan-so-voi-nguoi-binh-thuong-hinh-anh.png
Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: PV

Nguyên nhân người trẻ đột quỵ tăng cao là do ăn uống thiếu khoa học, lười vận động, áp lực công việc... Tình trạng đột quỵ ở người trẻ xảy ra nhiều và trở nên đáng báo động.

Tuy nhiên, theo TS-BS Nguyễn Minh Đức, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân ung thư còn đáng lo ngại hơn. “Với bệnh nhân ung thư thì nguy nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, thuyên tắc phổi... tăng cao gấp 2 lần so với người bình thường”, bác sĩ Đức cho biết.

Phân tích của bác sĩ Đức cho thấy, bản chất của các nhồi máu hoặc thuyên tắc này có thể do tình trạng tăng đông máu vì các chất độc mà ung thư chế tiết ra, dẫn đến dễ hình thành các cục máu đông hoặc huyết khối. Chồi u phát triển và xâm lấn vào tĩnh mạch như: chồi ung thư biểu mô gan (Hepatocellular Carcinoma) xâm lấn vào tĩnh mạch cửa, hoặc chồi ung thư biểu mô tế bào thận (Renal Cell Carcinoma) xâm lấn vào tĩnh mạch thận, tĩnh mạch chủ dưới.

Khối ung thư thường có hiện tượng viêm loét và hoại tử dễ hình thành các cục huyết khối bám trên bề mặt. Chúng liên kết với khối ung thư khá lỏng lẻo và dễ bị đứt gãy và gây tắc mạch. Một số phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, miễn dịch có thể sẽ ảnh hưởng lên quá trình đông máu, từ đó cũng sẽ dễ hình thành cục máu đông.

Bệnh nhân nằm lâu hoặc nằm nhiều dẫn đến lưu thông máu sẽ kém dễ hình thành các cục máu đông, đặc biệt ở tĩnh mạch chi dưới. Các cục máu đông này sẽ trôi theo dòng máu và gây thuyên tắc.

“Nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, thuyên tắc phổi là những nguyên nhân có thể gây chết đột ngột cho bệnh nhân ung thư”, bác sĩ Đức nói.

Trước thực tế trên, bác sĩ Đức khuyến cáo bệnh nhân ung thư trong quá trình chăm sóc, theo dõi luôn phải hết sức cẩn thận và đề phòng với các tình huống trên. Cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và thăm khám hình ảnh cấp cứu khi nghi ngờ các tình trạng này xảy ra trên bệnh nhân ung thư”, bác sĩ Đức chia sẻ.

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư cần được theo dõi các chỉ số liên quan đến quá trình đông máu ngay từ rất sớm trước khi điều trị, cũng như điều trị dự phòng huyết khối, kháng kết tập tiểu cầu nhằm giảm thiểu rủi ro đột tử; hướng dẫn một số bài tập thể dục nhẹ nhàng tại giường cho bệnh nhân tránh tình trạng nằm lâu kéo dài, kể cả vật lý trị liệu nếu cần.

Bài liên quan
Hơn 56% người nhà chăm sóc bệnh nhân ung thư bị trầm cảm
Đó là kết quả nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phương - Bộ môn điều dưỡng, Trường đại học Y dược TP.HCM, được công bố tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 5 năm 2022 của Bệnh viện TP.Thủ Đức vào ngày 24.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh nhân ung thư có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2 lần so với người bình thường