Quy định buộc tất cả vé xem các trận đấu của vòng chung kết Euro 2016 đều phải in thông tin người mua chắc chắn sẽ gây ra khá nhiều điều phiền toái. Một số khán giả đối mặt nguy cơ không được vào sân vì quy định này.
Hãy hình dung chuyện bạn đến sân với vé trên tay nhưng lại bị bộ phận kiểm soát vé từ chối cho vào sân. Lý do? Tên in trên vé không phải là tên của bạn, cũng chẳng phải tên của ai trong nhóm người cùng đi với bạn!
Kịch bản này chắc chắn sẽ xảy ra trong thời gian diễn ra Euro 2016 từ ngày 10.6 đến 10.7, và điều đó sẽ khiến người hâm mộ bóng đá bất mãn. Do vé đã được phát hành sớm từ giữa tháng 12.2015, nên có nhiều người mua vé rồi thì nay lại bận công việc không thể đi xem được. Vừa tiếc nuối vì không được xem trận đấu yêu thích, vừa cảm thấy bực bội vì nhận ra rằng họ không được phép nhường tấm vé đó lại cho bạn bè, chứ đừng nói đến chuyện bán lại vé.
Khi chọn biện pháp in thông tin người mua lên vé, UEFA đã cảnh báo: Người mua vé, mà tên được in trên 1 hay nhiều vé, phải có mặt khi những người thân hay bạn bè mà họ đại diện ‘mua vé dùm’ đi qua cửa kiểm soát để vào sân. Nếu không có mặt để trình giấy tờ trong trường hợp bị kiểm tra danh tính, thì tất cả những tấm vé ‘mua dùm’ trở thành vô giá trị, và những người cầm các tấm vé đó không được vào sân.
Trang Ouest-France dẫn trường hợp của ông Michel Berthouloux, một giáo sư kinh tế 53 tuổi, dự định xem trận Xứ Wales gặp Slovakia tại Bordeaux ngày 11.6 cùng với người con nuôi và một người bạn. Vấn đề là người bạn đó, cũng là người đã đứng ra đăng ký mua vé, bị bệnh viện nơi anh ta làm y tế yêu cầu đi làm vào đúng ngày diễn ra trận đấu vì có những công việc khẩn cấp.
Ông Berthouloux và người con nuôi đã liên hệ với UEFA nhằm có thể chắc chắn được vào xem trận đấu nói trên, và họ đã nhận được câu trả lời 'lạnh lùng, cứng ngắc' qua mail: “Nếu người đứng ra đặt mua vé không thể có mặt ở cổng kiểm soát, thì tất cả vé người đó đứng ra mua sẽ được xem như đã bị mất”.
Và ông Berthouloux không phải là trường hợp duy nhất. Ludovic Tantin, một sinh viên ngành luật, đã mua vé trận khai mạc Pháp – Romania ngày 10.6 nhưng lại không thể đi xem được. Tantin muốn bán lại tấm vé đó, nhưng trang web mua bán lại vé do UEFA mở ra đã đóng cửa từ ngày… 31.3.
Tantin bất mãn: “Chuyện này hoàn toàn vô lý vì họ mở trang này 3 tháng trước giải (ngày 9.3) rồi đóng nó 2 tháng trước giải. Nếu mục tiêu là dẹp vé chợ đen, thì tại sao lại không để trang này tiếp tục mở?”
Về phía UEFA, tổ chức này nhấn mạnh rằng họ đã luôn nói rằng trang mua bán lại vé phải đóng ngày 31.3 vì những lý do liên quan đến quy trình quản lý. Một người phụ trách bộ phận phát hành vé của UEFA xác nhận: “Chuyện hoàn tiền chỉ có thể thực hiện khi vé chưa được in. Một khi vé đã được gửi qua đường bưu điện đến người mua, thì không còn có thể thay đổi. Đó là một quy trình cực kỳ phức tạp bởi vé được in bằng hệ thống máy móc tinh vi, và không thể in lại vé cho những vị trí, chỗ ngồi mà vé đã được gửi đến khách hàng”.
Thật ra UEFA cũng rất lúng túng và mệt mỏi với quy định in thông tin người mua trên vé xem Euro 2016 của mình. Người phụ trách phân phối vé của UEFA xác nhận: "Chúng tôi luôn tìm cách cải thiện khâu phục vụ người mua vé. Chúng tôi ý thức những khó khăn và chúng tôi rất lo lắng, phiền não".
Người này cũng mệt mỏi khi không bác bỏ nguy cơ không được vào sân bằng vé mang tên người khác. "Chúng tôi phải đảm bảo cho khán giả vào sân một cách thông suốt. Chúng tôi nghĩ rằng không thể tổ chức kiểm tra danh tính một cách máy móc. Chúng tôi không ủng hộ cách làm này. Chúng tôi không thực hiện việc kiểm tra danh tính, mà là nhà chức trách Pháp thực hiện".
Ấy thế mà thị trường vé chợ đen, hoạt động sang bán lại vé vẫn cứ hoạt động nhộn nhịp. Dĩ nhiên chẳng ai ngăn cản những người hâm mộ bóng đá chơi trò may rủi với tấm vé Euro 2016. Nếu như mã vạch trên vé được máy kiểm soát xác nhận khi vào cổng, thì nguy cơ kiểm tra danh tính là thấp. Trong trường hợp ngược lại, không chắc người cầm vé được vào sân.
HOÀNG ANH