Quận 11, quận Phú Nhuận và huyện Cần Giờ có những đặc điểm rất khác nhau nhưng cùng sớm đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 90% người dân. Vậy đâu là bí quyết của 3 địa phương này?
Như đã đưa tin hôm 12.8, quận 11 là quận huyện đầu tiên ở TP.HCM hoàn thành việc đạt tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trên 90% người dân.
Và sau quận 11, đến 2 quận huyện khác của TP.HCM cũng cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân là quận Phú Nhuận và huyện Cần Giờ. Quận 11, Phú Nhuận và Cần Giờ có những đặc điểm rất khác nhau. Vậy đâu là bí quyết giúp 3 địa phương này cơ bản hoàn thành việc tiêm chủng vắc xin cho người dân.
Phú Nhuận thành công từ nguồn nhân lực bổ sung
Nằm ở trung tâm thành phố, giáp nhiều quận huyện khác có lưu lượng giao thông phức tạp, đồng thời là điểm có mật độ dân cư cao bậc nhất TP.HCM nhưng Phú Nhuận lại là điểm xanh của Thành phố. Đặc biệt quận Phú Nhuận tính đến 12.8 có hơn 128.000 người đã tiêm vắc xin, đạt hơn 95% người dân trên 18 tuổi.
Theo lãnh đạo UBND quận Phú Nhuận, yếu tố giúp địa phương tiêm nhanh do sự sắp xếp, điều phối trong việc mời người dân đến 19 điểm với gần 40 đội tiêm trên địa bàn. Đội ngũ y tế và các lực lượng hỗ trợ tổ chức tiêm liên tục từ 7h đến 17h, không để thời gian trống. Với điểm tiêm dành cho người cao tuổi, quận luôn bố trí sẵn một số người trẻ để tiêm khi vắng. Việc tổ chức tiêm xen cài giúp các đội tiêm lúc nào cũng có người dân phục vụ, nhằm tăng tốc độ.
Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng cũng cho biết để duy trì công suất tiêm như vậy là do quận kêu gọi được đội ngũ y bác sĩ về hưu, nhân viên nhiều bệnh viện tư nhân cùng hỗ trợ tiêm chủng, đồng thời khẳng định nếu quận chỉ sử dụng nhân lực y tế của địa phương sẽ khó lòng đạt được tốc độ đề ra.
Quận 11 tăng tốc độ gấp đôi ở từng bàn tiêm
Ngày 12.8, ông Trần Phi Long – Chủ tịch UBND quận 11 cho biết địa phương này đã hoàn tất việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Theo ông Long, quận 11 có 173.600 người dân từ 18 tuổi trở lên, đến hết ngày hôm qua (11.8) đã tiêm được 164.388 người. Như vậy tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn quận đạt 94,67%
Ông Long cho rằng, sở dĩ quận 11 hoàn thành sớm việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân là do tốc độ tiêm ở mỗi bàn tiêm tại địa phương này rất cao. “Tốc độ tiêm trung bình của mỗi bàn tiêm ở đây lên đến 401 mũi/ ngày, cao gấp đôi so với chỉ đạo 200 mũi/ngày của TP.HCM. Toàn bộ người dân ở quận 11 chỉ tiêm vắc xin AstraZeneca và Moderna”, ông Long nói.
Huyện Cần Giờ đạt hiệu quả từ tổ tiêm lưu động
Đến hôm qua 12.8, huyện Cần Giờ cơ bản hoàn thành tiêm mũi một cho hơn 56.000 người, đạt 95% trong tổng số khoảng 59.300 người từ 18 tuổi trở lên. So với các quận huyện khác thì Cần Giờ có dân số ít nhưng lại gặp một số bất lợi về điều kiện tự nhiên.
Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng, huyện có diện tích rộng, chiếm 1/3 toàn thành phố, có biển, đảo khiến việc đi lại người dân khó khăn. Trong cái khó, ló cái khôn, Cần Giờ linh hoạt tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và di động ở những nơi đông dân cư, tạo điều kiện tối đa cho người dân tiêm tại chỗ.
Để đẩy nhanh tiến độ, huyện cử một phó chủ tịch huyện đứng đầu tổ chuyên về tiêm vắc xin. Tổ có quyền quyết định toàn bộ các khâu, phối hợp các đội tiêm và địa phương trong việc mời người dân, giảm thủ tục hành chính. Mỗi xã bố trí 2 điểm tiêm, một ở trạm y tế cho người trên 65 tuổi, một ở trường học gần khu dân cư cho người từ 18 tuổi. Ngoài 2 đội tiêm lưu động đi khắp huyện, mỗi xã còn bố trí một ô tô để tới tiêm tại chỗ cho người cao tuổi đi lại khó khăn.
Ngoài 3 quận huyện trên thì còn quận 5 tỷ lệ số người tiêm chủng cao trên 70%. Tuy nhiên, sáng 12.8, Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố vừa phát sinh 2 ổ dịch mới trên địa bàn quận 5, đã phong toả và theo dõi chặt. Ngoài ra, quận 1, quận 6 và quận 7 đạt tỷ lệ tiêm đạt trên 50% dân số.
Hồi đầu tháng 8, TP.HCM khẳng định sẽ phấn đấu trong tháng này sẽ đẩy nhanh tiến độ, tiêm được mũi 1 cho khoảng 70% dân số trên địa bàn TP.HCM. Con số 70% trên lý thuyết được coi là đủ để đạt miễn dịch cộng đồng.
Việc các quận huyện trên địa bàn TP.HCM linh động, sáng tạo, vận dụng các phương thức khoa học và quản lý đã giúp hoàn thành sớm việc tiêm vắc xin. Đó sẽ là những bài học hữu ích cho các địa phương khác học tập để triển khai hiệu quả việc tiêm vắc xin, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.