Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Trần Hoàng Ngân cho rằng để Cần Giờ phát triển phải xây dựng cầu Bình Khánh – Cần Giờ và cần phải được ưu tiên, đó là đột phá.

Bí thư Nguyễn Văn Nên giao Sở GT-VT lo việc xây cầu Cần Giờ - Bình Khánh

Tú Viên | 25/04/2021, 10:46

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Trần Hoàng Ngân cho rằng để Cần Giờ phát triển phải xây dựng cầu Bình Khánh – Cần Giờ và cần phải được ưu tiên, đó là đột phá.

Như đã đưa tin, ngày 24.4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và nhiều chuyên gia đi khảo sát huyện Cần Giờ. Trong buổi làm việc với lãnh đạo Cần Giờ về các dự án trọng điểm phát triển Cần Giờ trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị trong thực hiện nhiệm vụ địa phương, các chuyên gia đã nêu nhiều ý kiến.

Đáng chú ý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng để Cần Giờ phát triển phải xây dựng cầu Bình Khánh – Cần Giờ và cần phải được ưu tiên, đó là đột phá.

Về các đề xuất kiến nghị xây dựng cầu nối huyện Cần Giờ, Bí thư Nguyễn Văn Nên giao Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải TP.HCM nghiên cứu phương pháp và định hướng triển khai thực hiện xây dựng cầu Bình Khánh – Cần Giờ.

xa-dao-thanh-an-2_kgtk.jpeg

Bí thư Nguyễn Văn Nên cùng nhiều chuyên gia đi khảo sát xã đảo Thạnh An-Ảnh: Internet

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Trần Quang Lâm thông tin, về dự án cầu Cần Giờ, TP.HCM đã phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc là cầu dây văng, mang hình ảnh cây đước, sẽ thay thế phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm và khu vực lân cận. Tuy nhiên, việc đầu tư cầu đang gặp nhiều khó khăn. Nếu cầu không được thực hiện theo các hình thức đầu tư thì cần ưu tiên bằng vốn ngân sách để làm cầu.

Trước đó, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng đề nghị TP.HCM chỉ đạo sở, ngành liên quan sớm tham mưu triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ. Đồng thời, ông Dũng kiến nghị được phép lập các dự án đầu tư tuyến đường và cầu liên xã Bình Khánh - An Thới Đông - Lý Nhơn - Long Hòa với chiều dài toàn tuyến 24km, rộng 7,5m.

Theo ông Dũng, đây là các dự án quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất người dân cũng như phát triển du lịch của huyện trong thời gian tới.

Giám đốc Sở GT-VT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết 2 dự án vừa nêu là 2 dự án giao thông lớn. Trong đó, dự án đường và cầu liên xã Bình Khánh - An Thới Đông - Lý Nhơn - Long Hòa có tổng vốn đầu tư khoảng 1.800 tỉ đồng…

Bí thư Huyện ủy Cần Giờ cũng nêu tình trạng gần đây, giá đất trên địa bàn huyện Cần Giờ biến động nhiều. Do vậy, huyện đang tập trung các giải pháp tăng cường quản lý đất đai và tiếp tục tăng cường quản lý về trật tự xây dựng trên địa bàn huyện.

Do vậy, Cần Giờ đề xuất TP.HCM tiếp tục có ý kiến đề xuất với Thủ tướng để huyện có cơ sở thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch phân khu trên địa bàn huyện; đề nghị TP.HCM đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (rộng khoảng 2.870 ha).

Bảo vệ môi trường

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh huyện Cần Giờ có rừng ngập mặn đã có “thương hiệu quốc tế” vì vậy phát triển du lịch của huyện phải kết hợp du lịch sinh thái và bảo tồn và tôn tạo được di tích văn hoá lịch sử tại khu rừng sác...

GS Võ Tòng Xuân ủng hộ định hướng phát triển của huyện Cần Giờ và đề nghị TP.HCM cần đổi mới tư duy và mạnh dạn có cách tiếp cận mới để thúc đẩy phát triển Cần Giờ, nâng cao đời sống của người dân nơi đây.

TS Trần Du Lịch nhận xét, quyết định trồng rừng vào cuối những năm 1970 của TP.HCM là sự đúng đắn nên bây giờ mới có Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Hiện Cần Giờ là mặt tiền biển của TP.HCM nên quyết định xây dựng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ để biến Cần Giờ thành cửa ngõ là đúng đắn.

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ có thể là sẽ khởi đầu thực sự cho cuộc đua phát triển mới. Bởi lẽ, phát triển Cần Giờ không phải là việc riêng của TP.HCM mà còn là cả sự phát triển của Việt Nam với các nước trên thế giới.

TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng khi phát triển Cần Giờ cần chú ý tới 3 ADN là đặc trưng của Cần Giờ.

- Thứ nhất, Cần Giờ phát triển cần phải có rừng ngập mặn. Đây cũng chính là “ADN” giúp Cần Giờ và TP.HCM khác biệt so với nhiều nơi khác. Việc UNESCO công nhận rừng Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn tạo danh tiếng bảo vệ môi trường cho TP.HCM và Việt Nam.
- Thứ hai, đó là mặt tiền biển và cửa sông, không chỉ là mặt tiền, cửa ngõ của TP.HCM mà còn mang lại kinh tế biển cho cả Nam bộ.
- Thứ ba, hệ thống di tích ở Cần Giờ có giá trị rất đặc biệt, mang tính độc đáo mà nhiều nước trong khu vực không có. Lợi thế này giúp phát triển du lịch văn hóa bên cạnh phát triển du lịch sinh thái.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Nguyễn Văn Nên giao Sở GT-VT lo việc xây cầu Cần Giờ - Bình Khánh