Bí thư Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ trăn trở trước thực trạng TP.HCM phải nhập hoàn toàn công nghệ xử lý rác của nước ngoài.
Sáng 19.7, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã kiểm tra thực địa dự án thí điểm sản xuất điện từ rác tại Khu chôn lấp rác Gò Cát (quận Bình Tân). Dự án do Công ty MTV Môi trường đô thị TP.HCM và Công ty TNHH Thuỷ Lực – Máy phối hợp đầu tư.
Sau khi kiểm tra các công đoạn của dự án, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP tạo điều kiện để Công ty TNHH Thuỷ Lực – Máy thí điểm công nghệ mới lần đầu tiên tại Việt Nam, biến rác thành năng lượng và không có chất thải đáng kể ra môi trường. Sáng chế này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra nhiều lần.
“Chúng tôi ghi nhận, tạo điều kiện cho các nhà sáng chế phát huy nhằm góp phần giải quyết vấn đề cho thành phố”, Bí thư Nhân nói. Bí thư Thành uỷ cũng chia sẻ những vất vả, mạo hiểm, thất bại mà nhà đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ gặp phải. “Tôi thấy anh Long đã già đi rất nhiều so với lần gặp trước”, Bí thư Nhân nói với ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ Lực – Máy.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phía nhà đầu tư, sở ngành thẳng thắn trao đổi những thuận lợi và khó khăn để khi dự án thực sự đi vào hoạt động thì đảm bảo an toàn. Theo ông Nhân, mỗi ngày thành phố có tới 8.600 tấn rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp khoảng 1.500 tấn. “Nếu làm tốt thì có thể xử lý rác cho cả vùng Bình Dương, Đồng Nai. Thị trường này rất tiềm năng”, ông Nhân nói.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết mục tiêu của công nghệ xử lý rác này là rác công nghiệp. Dòng điện đã được ngành điện lực kiểm chứng về tính ổn định. Môi trường không bị ảnh hưởng khi vận hành lò đốt rác.
Công ty TNHH Thuỷ Lực – Máy đề xuất xin xây dựng nhà máy điện rác công suất 20MW xử lý rác công nghiệp tại Gò Cát - Ảnh:Hà Hương
Ông Nguyễn Gia Long (Giám đốc Công ty Thuỷ Lực - Máy) khẳng định: “Đây là công nghệ của người Việt để giải quyết vấn nạn của người Việt”. Ông Long cho biết, sau hai tháng vận hành thử, đến tháng 4.2017, dòng điện đã được hoà vào điện lưới quốc gia.
Theo ông Long, đây là công nghệ không ống khói. Mở ra một giải pháp xử lý rác quy mô lớn, cả công nghiệp, sinh hoạt và cả rác thải độc hại. Từ đó, Công ty TNHH Thuỷ Lực – Máy đề xuất xin xây dựng nhà máy điện rác công suất 20MW, xử lý rác công nghiệp tại Gò Cát.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải tính toán đến tính bền vững của dự án. Trong đó, Công ty Môi trường đô thị phải chia sẻ với nhà đầu tư số tiền mà các nguồn thải trả cho để xử lý rác.
“Với phần chia sẻ đó và giá bán điện, xem trong vòng 10 năm thì nhà đầu tư có hoàn vốn được không”, ông Nhân nói. Bí thư Thành uỷ cũng cho rằng hiện nay nhà đầu tư và Công ty Môi trường đô thị vẫn chưa trả lời được bài toán chi phí rác.
Theo ông Nhân, hiện nay, công nghệ xử lý rác của TP.HCM toàn nhập từ nước ngoài. “Đó là một điều rất đau khổ”, ông Nhân chia sẻ. “Tôi đã đọc công trình của anh Long và nó cho thấy khả năng sản xuất điện và xử lý rác tối ưu. Chúng ta có trách nhiệm phải nuôi dưỡng tinh thần đó lớn lên. Giỏi về xử lý rác cũng đáng tự hào lắm”, Bí thư Thành uỷ nói.
Bí thư Thành uỷ cũng đề nghị nên đưa ra một mô hình liên doanh với Công ty Môi trường đô thị TP.HCM nhằm giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến mặt bằng, môi trường. Bên cạnh đó, ông Nhân đề nghị cần có một đánh giá đầy đủ về tác động môi trường của dự án.
Hà Hương/Zing