Đại sứ Trung Quốc tại Úc Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) cảnh báo rằng việc Canberra theo đuổi điều tra độc lập về đại dịch COVID-19 là “nguy hiểm”, có thể khiến người Trung Quốc tẩy chay sinh viên, du lịch và hàng hóa Úc. Ngoại trưởng Úc Marise Payne sau đó đã lên tiếng đáp trả.

Bị Trung Quốc dọa tẩy chay do ủng hộ điều tra COVID-19, Úc đáp trả quyết liệt

27/04/2020, 14:32

Đại sứ Trung Quốc tại Úc Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) cảnh báo rằng việc Canberra theo đuổi điều tra độc lập về đại dịch COVID-19 là “nguy hiểm”, có thể khiến người Trung Quốc tẩy chay sinh viên, du lịch và hàng hóa Úc. Ngoại trưởng Úc Marise Payne sau đó đã lên tiếng đáp trả.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne - Ảnh: Getty

Trong bài phỏng vấn được Australian Financial Review (AFR) đăng tải hôm 27.4, ông Thành Cạnh Nghiệp nói rằng Bắc Kinh nghĩ chính phủ Thủ tướng Scott Morrison đang "có động cơ chính trị" trong việc kêu gọi điều tra quốc tế về dịch bệnh, hưởng ứng theo lời của "một số thế lực ở Washington".

Đại sứ Trung Quốc cho rằng chiến dịch của ông Morrison đã bị người Trung Quốc nhìn nhận không mấy “thiện cảm” và có thể dẫn đến các hậu quả về kinh tế, giáo dục. "Cha mẹ của các học sinh cũng sẽ nghĩ liệu nơi mà họ thấy là không thân thiện, thậm chí thù địch này có phải là nơi tốt nhất để gửi gắm con họ tới du học hay không”, ông Thành Cạnh Nghiệp nói.

Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, các trường đại học, ngành du lịch, các mặt hàng rượu và thịt bò là những lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng bởi trước sự “tẩy chay” của người Trung Quốc. “Công chúng sẽ là người quyết định. Có thể người dân bình thường sẽ nói: Tại sao chúng ta lại uống rượu Úc, ăn thịt bò Úc?", ông nói.

“Người dân Trung Quốc đang cảm thấy mất tinh thần, không hài lòng và thất vọng với những gì mà Úc đang làm. Các hành động gây nghi ngờ, hoặc chia rẽ diễn ra vào thời điểm quan trọng như lúc này có thể làm suy yếu nỗ lực toàn cầu trong việc chống đại dịch”, đại sứ Thành Cạnh Nghiệp nhấn mạnh.

Đáp trả, Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã chỉ trích nhà ngoại giao Trung Quốc về việc đã liên kết các vấn đề kinh tế với cuộc điều tra về COVID-19.

“Úc đã đưa ra lời kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về sự bùng phát COVID-19, một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có với tác động nghiêm trọng tới xã hội, kinh tế và y tế. Cuộc điều tra có thể được tiến hành vào một thời điểm thích hợp, hoàn toàn hiểu được vì nhiều quốc gia vẫn đang phải tiếp tục đối phó với những thách thức của coronavirus”, bà Payne nói.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Úc khẳng định: “Một đánh giá minh bạch và trung thực về các sự kiện trong đại dịch sẽ là rất cần thiết để chúng ta học hỏi những bài học quan trọng nhằm cải thiện năng lực phản ứng trong tương lai. Chúng tôi hy vọng tất cả các thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ hợp tác trong nỗ lực như vậy, bao gồm cả việc tăng cường vai trò của WHO trong việc ứng phó hiệu quả với đại dịch”.

“Chúng tôi phản đối mọi lời đe dọa ép buộc về kinh tế là một phản ứng cho lời kêu gọi mở một cuộc điều tra như vậy, khi điều chúng ta cần là sự hợp tác toàn cầu”, Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người phát ngôn đối ngoại của Công đảng đối lập tại Úc, bà Penny Wong cũng đã tuyên bố ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch COVID-19. Bà Wong cho rằng việc kêu gọi điều tra không phải là vấn đề về mặt địa chính trị mà nhằm giúp cộng đồng quốc tế cần hiểu rõ về nguồn gốc của dịch bệnh và có thể rút ra bài học để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.

"Đại sứ Trung Quốc đã nói rằng không muốn sự khiển trách, chia rẽ và nghi ngờ xảy ra vào thời điểm thế giới đang đối phó với COVID-19 và đó chính xác là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch bệnh. Úc phải khẳng định lợi ích quốc gia của mình. Chúng ta phải nhấn mạnh những gì đúng, những gì chúng ta tin là đúng, cho chúng ta và cho cộng đồng quốc tế, và đảm bảo rằng nhân loại hiểu được vi rút này bắt đầu như thế nào điều nên làm", bà Wong cho hay.

Dù Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, nhưng các mối quan hệ ngoại giao đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây trong bối cảnh Úc cáo buộc Bắc Kinh đã thực hiện các cuộc tấn công mạng và đã cố gắng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chính quyền Canberra.

Đáng chú ý, trong một tuần vừa qua, quan hệ Úc-Trung Quốc đã leo thang căng thẳng sau khi Thủ tưởng Scott Morrison cùng nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Úc kêu gọi điều tra về nguồn gốc COVID-19, cũng như cải tổ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Động thái này đã biến Canberra trở thành một trong những nhà phê bình Bắc Kinh mạnh mẽ nhất về cách xử lý sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, phía Trung Quốc cho rằng đề xuất của Úc mang động cơ chính trị, cản trở hợp tác quốc tế về phòng chống dịch bệnh, đồng thời chỉ trích một số quan chức Úc là “cái loa phát thanh” của Washington.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 23.4 tại Bắc Kinh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng hành động điều tra do Úc đề xuất “mang màu sắc thao túng chính trị”. “Trung Quốc khuyên Úc nên từ bỏ những định kiến ​​về ý thức hệ”, ông Cảnh nhấn mạnh và cho rằng việc Úc kêu gọi một cuộc điều tra sẽ giành được sự ưu ái với Mỹ, quốc gia trong thời gian gần đây đã liên tục chỉ trích Trung Quốc và WHO về COVID-19.

Hoàng Vũ (theo AFR, Dailymail, Skynews)

Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
39 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị Trung Quốc dọa tẩy chay do ủng hộ điều tra COVID-19, Úc đáp trả quyết liệt