Hải quân Mỹ mới đây đã điều tàu chiến tuần tra Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, một động thái có thể khiến Bắc Kinh tức tối.

Biển Đông lại dậy sóng sau khi tàu chiến Mỹ áp sát Trường Sa

Hoàng Vũ | 23/12/2020, 11:07

Hải quân Mỹ mới đây đã điều tàu chiến tuần tra Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, một động thái có thể khiến Bắc Kinh tức tối.

Thông cáo ngày 22.12 của Hạm đội 7 - Hải quân Mỹ cho biết, tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS John S. McCain đã có chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Hạm đội 7 khẳng định hoạt động tuần tra lần này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế nhưng không đề cập cụ thể đến những hòn đảo mà tàu McCain đã đi qua.

Hoạt động của tàu ​​chiến Mỹ diễn ra chỉ một ngày sau khi tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc được phát hiện gần đảo Hải Nam đang tiến vào phía Biển Đông để tập trận, cho thấy tâm lý sẵn sàng đối đầu của Mỹ, các nhà phân tích nhận định.

wp2113720.jpg
Tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS John S. McCain - Ảnh: Hải quân Mỹ

Đáp trả, Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam của quân đội Trung Quốc (PLA) hôm 22.12 đã cáo buộc tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ đã "xâm phạm Biển Đông mà không có sự cho phép của Trung Quốc".

Thượng tá Tian Junli, người phát ngôn của Chiến khu Nam cho biết lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc “đã tiến hành theo dõi và giám sát toàn bộ quá trình đối với tàu khu trục Mỹ và đã cảnh báo nó rời đi”.

Ông Tian Junli lưu ý rằng, bộ chỉ huy quân đội Trung Quốc "luôn cảnh giác cao độ và sẽ kiên quyết thực hiện các nhiệm vụ và sứ mệnh bảo vệ" cái mà Bắc Kinh tự nhận là "chủ quyền, an ninh quốc gia" cũng như đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực.

Trung Quốc thời gian qua đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông cùng với sự gia tăng các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình bất chấp bị cộng đồng quốc tế trong đó có nhiều nước phương Tây, ASEAN lên tiếng phản đối.

Thời gian gần đây, Trung Quốc thậm chí còn tính dùng vũ lực chống tàu nước ngoài xâm nhập Biển Đông. Tại cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc hồi đầu tháng 11, dự thảo sửa đổi luật dành cho lực lượng hải cảnh của nước này đã được trình bày. Trong đó, điểm nổi bật là hải cảnh có trách nhiệm xua đuổi tàu thuyền các nước khác, thậm chí sử dụng vũ khí nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Dự thảo trên còn cho phép các tàu Trung Quốc sử dụng vũ khí chống lại các tàu không tuân thủ những quy định của họ về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. 

Luật mới sẽ dọn đường cho lực lượng hải cảnh của Trung Quốc tự do hơn trong việc sử dụng vũ khí so với đối tác Nhật Bản, vốn phải đối mặt với những hạn chế chặt chẽ. Luật pháp Nhật Bản yêu cầu xác nhận "hoạt động đáng ngờ" trên tàu nước ngoài và thậm chí cấm các phản ứng có thể khiến mọi người gặp nguy hiểm trừ áp dụng với tội phạm nghiêm trọng.

Dự luật trên Trung Quốc còn cho phép các tàu hải cảnh đang bị tấn công đáp trả bằng vũ khí cũng như thực hiện việc giam giữ và áp giải đối với các tàu nước ngoài bị coi là đã xâm nhập trái phép vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Động thái này của Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ xung quanh Biển Đông - nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền phi pháp gần 90 % diện tích của vùng biển.

Đáng chú ý, Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) tuần trước đã công bố một tài liệu chiến lược hàng hải mới có tiêu đề “Lợi thế trên biển” phác thảo cách hải quân, thủy quân lục chiến và lực lượng tuần duyên Mỹ có thể duy trì ưu thế hàng hải trong những năm tiếp theo.

Tài liệu cũng coi Trung Quốc là “mối đe dọa chiến lược lâu dài và cấp bách nhất” và “đối thủ duy nhất có tiềm lực kinh tế và quân sự tổng hợp để đưa ra thách thức toàn diện, lâu dài đối với Mỹ”, cũng như sẽ "quả quyết hơn" trong việc đối phó với Trung Quốc.



Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biển Đông lại dậy sóng sau khi tàu chiến Mỹ áp sát Trường Sa