Về số tiền 350.000 USD mang biếu cựu Vụ phó như cáo trạng quy kết, tại tòa, Phan Quốc Việt cho biết đây hoàn toàn là tình cảm riêng, không có hứa hẹn từ trước.
Chiều 27.12, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tiếp tục xét xử 7 bị cáo có liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Học viện Quân y.
Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN), Hồ Anh Sơn (Phó giám đốc Viện nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y) cùng bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” có các bị cáo Nguyễn Văn Hiệu (Trưởng phòng, phòng Trang bị - vật tư, Học viện Quân y); Ngô Anh Tuấn (Trưởng phòng Tài chính, Học viện Quân y); Lê Trường Minh (Trưởng ban Hóa dược, phòng Trang bị - vật tư, Học viện Quân y); Vũ Đình Hiệp (Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á).
Riêng Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) bị truy tố cả 2 tội danh nói trên.
Chỉ mong sản xuất ra bộ kit nhanh nhất
Theo cáo trạng, trước tình dịch dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở nước ngoài và có nguy cơ cao lây lan vào Việt Nam, Ban Giám đốc Học viện Quân y đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Học viện xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu bộ kit chẩn đoán viêm phổi do vi rút corona.
Lãnh đạo Học viện Quân y ký công văn gửi Bộ KH-CN về việc đề xuất nhiệm vụ này. Sau đó, Trịnh Thanh Hùng đã trao đổi, thống nhất với Phan Quốc Việt về việc để Việt Á tham gia đề tài. Việt đồng ý, Hùng yêu cầu Hồ Anh Sơn bổ sung thêm Việt Á tham gia đề tài.
Lúc này, Sơn sửa lại phiếu đề xuất nhiệm vụ khoa học của đề tài, trong đó đưa Công ty Việt Á tham gia đề tài và trình lãnh đạo Học viện Quân y ký, Hồ Anh Sơn chuyển phiếu đề xuất nhiệm vụ đến Bộ KH-CN.
Khai báo tại tòa, bị cáo Trịnh Thanh Hùng cho biết nội dung trao đổi giữa bị cáo và Việt chỉ là động viên và thuyết phục Phan Quốc Việt tham gia đề tài này trong thời gian nhanh nhất với mục đích phòng chống dịch.
Liên quan đến nội dung trao đổi với bị cáo Sơn, ông Hùng cho biết lúc đó mình cần tìm doanh nghiệp có Chứng chỉ ISO đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế và không biết doanh nghiệp nào đáp ứng được thì Hùng giới thiệu Việt Á.
Tại phiên tòa, bị cáo Hồ Anh Sơn thừa nhận sai phạm và nói rõ: “Bị cáo đã triển khai đề tài nhưng không được như kỳ vọng. Tôi cùng với ông Việt, Hùng đã coi đó là sản phẩm của Việt Á và thực hiện không chính xác như hợp đồng. Là chủ nhiệm đề tài nên tôi chịu trách nhiệm về số tiền bị thiệt hại”.
Liên quan đến việc giới thiệu doanh nghiệp có Chứng chỉ ISO, ông Sơn khai rằng Hùng chỉ trao đổi qua điện thoại. Khi đề xuất đề tài, nhóm Học viện Quân y không thể tự tìm ra doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Lúc Trịnh Thanh Hùng giới thiệu Công ty Việt Á thì bị cáo đồng ý và đưa tên Việt Á vào đề xuất.
Ngoài ra, ông Sơn có nhắc tới cuộc gặp giữa 3 người (Sơn, Hùng, Việt) trao đổi trực tiếp tại quán cà phê gần Bộ KH-CN với nội dung chỉ mong sản xuất ra bộ kit nhanh nhất và chưa bao giờ bàn về lợi ích.
Không hề có lợi ích vật chất?
Về phần mình, bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) thừa nhận bản thân đã không thực hiện đúng nội dung mà Bộ KH-CN giao cho Học viện Quân y. Trước tòa, Tổng giám đốc Việt Á mong HĐXX xem xét bối cảnh lúc đó khi bị cáo không còn cách nào khác.
Liên quan đến vấn đề lợi ích, Phan Quốc Việt khẳng định: “Không hề có chuyện này và chỉ nghĩ sản xuất 20.000 test là dừng vì tôi nghĩ dịch sẽ không quá kéo dài”.
Về số tiền 350.000 USD mang biếu ông Hùng như cáo trạng quy kết, một lần nữa ông Việt cho biết đây hoàn toàn là tình cảm riêng, không có hứa hẹn từ trước. Ông Hùng chỉ liên quan đến đề tài, không liên quan đến quá trình sau đó.
Là bị hại trong vụ án, đại diện Học viện Quân y mong HĐXX có thể cân nhắc, xem xét quá trình công tác, cũng như những thành tích mà họ đạt được để giảm nhẹ hình phạt.