Cục Cảnh sát Hình sự đang phối hợp với các ngân hàng rà soát các tài khoản đã huy động từ thiện, làm rõ quá trình tiếp nhận, quyên góp và quá trình giải ngân trong đợt bão lũ miền Trung năm 2020.
Rà soát các tài khoản huy động tiền từ thiện
Trả lời báo chí về vấn đề các cá nhân quyên góp tiền từ thiện, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết vừa qua, Bộ Công an đã nhận được tin tố giác tội phạm từ đơn thư tố giác liên quan đến một số cá nhân trong hoạt động gây quỹ quyên góp từ thiện, tài trợ trong đợt bão lũ tại khu vực miền Trung năm 2020.
Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Cục Cảnh sát Hình sự thụ lý, kiểm tra, xác minh các nguồn tin. Hiện, Cục Cảnh sát Hình sự đang phối hợp với các ngân hàng rà soát xác định các tài khoản đã huy động từ thiện, làm rõ quá trình tiếp nhận, quyên góp và quá trình giải ngân.
Đồng thời, Cục Cảnh sát Hình sự cũng phối hợp với UBND và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, để xác minh rõ số tiền, hàng mà các cá nhân đã tiến hành cứu trợ, từ thiện tại các địa phương này, và cũng đã mời làm việc với một số cá nhân, tổ chức đề nghị cung cấp các thông tin có liên quan.
Ông Xô cho biết Cục Cảnh sát Hình sự cũng đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự một số địa phương tiến hành rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên địa bàn để kịp thời phát hiện các trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động cứu trợ từ thiện để thực hiện các hành vi trục lợi, chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an cũng đề nghị các cá nhân gửi đơn tố cáo và cả bị đơn, người dân cần bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc, không nên có những ngôn từ không phù hợp, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người tố cáo và bị đơn, tránh việc lợi dụng vấn đề này nhằm gây mất trật tự xã hội.
Khôi phục hoạt động vận tải phù hợp với từng cấp độ chống dịch
Về việc đi lại, giao thông của người dân, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay quan điểm chung của Bộ Giao thông vận tải là phải tổ chức vận tải tốt, duy trì hoạt động vận tải chung để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo công tác phòng chống dịch.
“Chúng tôi quyết định tổ chức vận tải trong điều kiện cao điểm phòng chống dịch và tương ứng với từng khu vực trên địa bàn cả nước”, ông Đông nói.
Theo đó, từ tháng 8.2021, Bộ đã ban hành hướng dẫn vận tải trong thời gian phòng chống dịch COVID-19; vận tải hàng hóa đảm bảo xác định các tuyến đường không bị cấm, chốt chặn. Thứ hai, hàng hóa không bị cấm. Thực tế cũng cho thấy hiện tại, vận tải hàng hóa lưu thông không có vấn đề gì, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và phục vụ cho sinh hoạt của người dân.
“Riêng về vận tải hành khách, trên cơ sở điều kiện phòng chống dịch, trong thời gian chúng ta không thực hiện vận tải liên tỉnh, chúng tôi xây dựng một hướng dẫn mới, ban hành hôm 30.9 vừa rồi cho 5 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa”, ông Đông nói và cho biết hướng dẫn này lấy ý kiến của tất cả địa phương, bộ, ngành liên quan.
“Quan điểm là khôi phục hoạt động vận tải phù hợp với từng cấp độ phòng chống dịch. Chúng tôi cũng quy định riêng cho đơn vị vận tải phải làm xét nghiệm nào, kiểm tra giấy tờ nào khác ngoài hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc tổ chức vận tải theo tinh thần chung, phân cho các địa phương. Việc mở cửa nới lỏng như thế nào thì đưa các phương thức vận tải phù hợp tới đó”, ông Đông nêu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, sau khi có hướng dẫn thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, chắc chắc việc đi lại sẽ thuận lợi hơn, kể cả cho các phương tiện giao thông, kể cả người dân.
Thí điểm Mobile-Money đồng bộ trên cả nước
Liên quan đến vấn đề thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ (Mobile-Money), Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm Mobile-Money, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được 3 đơn vị đăng ký triển khai hoạt động mobile money, đó là: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT; Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Ông Tú cho biết cũng cần thời gian để các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo đúng Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuyển văn bản, hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của 2 bộ nữa là Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, vì đây là vấn đề đòi phải hết sức chặt chẽ và đúng quy định.
“Về cơ bản, chúng tôi cũng đã thống nhất và hy vọng trong tháng 10 này, 3 bộ sẽ thống nhất hồ sơ của các đơn vị này. Khi đủ điều kiện và được sự thống nhất chung của 3 bộ, sẽ quyết định cho cấp phép để 3 đơn vị triển khai dịch vụ này”, ông Tú nói.
Theo ông Tú, lý do 3 bộ cùng tham gia quản lý hoạt động này là do đây là hoạt động phức tạp, đòi hỏi phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng, cho người dân cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán. Đây là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng công nghệ (điện thoại di động của người dân), hết sức thuận tiện cho người dân nhưng cũng đòi hỏi hết sức an toàn, tránh lợi dụng.
Đối với việc triển khai thí điểm, lúc đầu dự định tại một số địa phương; nhưng sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân nhắc, sẽ cho triển khai đồng bộ trên cả nước, thời gian thí điểm khoảng 2 năm. Sau khi thí điểm hoàn thành sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá và cho triển khai chính thức chương trình này.