Bộ Công Thương cho rằng đề xuất dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn, theo đó cần phải xem xét thận trọng dự án một cách toàn diện, phải tính đến những thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay...

Bộ Công Thương: Đề xuất dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê là chưa đủ cơ sở khoa học

tuyetnhung | 31/07/2017, 18:07

Bộ Công Thương cho rằng đề xuất dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn, theo đó cần phải xem xét thận trọng dự án một cách toàn diện, phải tính đến những thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay...

Sau khi Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề xuất "hồi sinh" dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra xoay quanh dự án này. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá toàn diện dự án.

Sau nhiều cuộc họp, ghi nhận ý kiến các bên, Bộ Kế hoạch Đầu tư mới đây đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương cho Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC)dừng dự án khai thác sắt Thạch Khê.

Liên quan đến đề xuất dừng dự án này, chiều 31.7, Bộ Công Thương đã lên tiếng cho rằng đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn, cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho rằng cần phải tính đến những hậu quả, hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay. Dừng dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ. Ngoài ra, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng cần phải tính đến hiệu quả kinh tế của dự án, phát triển công nghiệp và kinh tế Việt Nam, đóng góp vào GDP, giảm nhập siêu, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng như các vấn đề liên quan như an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội và nhiều hệ lụy khác.

Với dự án này, Bộ Công Thương đã thành lập hội đồng thẩm địnhgồm các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về địa chất mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khai thác mỏ, bảo vệ môi trường, biển đảo, trong đó có các chuyên gia do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh tham gia.

Ngoài ra trong quá trình thẩm định, Bộ có mời Viện Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam là Viện nghiên cứu đầu ngành về mỏ, môi trường mỏ thẩm định dự án; tư vấn nước ngoài là Công ty TNHH CBM về Tư vấn, kinh doanh và quản lý (Đức) gọi tắt là CBM thẩm định độc lập.

"Do dự án phức tạp, khối lượng tài liệu nghiên cứu rất lớn nên việc thẩm định thiết kế kỹ thuật gần 1 năm mới hoàn thành. Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. Như vậy, có thể nói dự án đã được lập và thẩm định rất kỹ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Bộ Công Thương cho hay.

Về vấn đề môi trường, Bộ nhận định những vấn đề hạ thấp mực nước ngầm, sụt lún và sạt lở bờ mỏ trong quá trình khai thác; giải pháp ứng phó với sự cố môi trường: động đất, nước biển dâng do biến đổi khí hậu, sóng thần...; giải pháp đối với vấn đề caster, xâm nhập mặn; giải pháp về vấn đề cát bay, cát chảy; giải pháp đối với bãi thải lấn biển; xử lý nước thải; phương án cải tạo phục hồi môi trường, sử dụng đất sau khai thác được các nhà khoa học và dư luận quan tâm đã được làm rõ trong báo cáo thẩm định thiết kế kỹ thuật của Bộ Công Thương, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng các giải pháp là phù hợp.

Tuy nhiên cũng đề nghị chủ đầu tư trong quá trình khai thác giai đoạn 1 đến mức -145m, TIC phải tiếp tục có những nghiên cứu bổ sung về địa chất thủy văn, địa chất công trình và chuyên sâu về hang caster, cập nhật dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu, động đất, sóng thần để bổ sung giải pháp thiết kế, bảo vệ môi trường cho phù hợp.

Về hiệu quả kinh tế của dự án, Bộ CôngThương nhìn nhận hiệu quả kinh tế của dự án TIC tính đến tháng 3.2017 cao hơn so với dự án phê duyệt năm 2014: Tổng mức đầu tư giảm còn 12.192 tỉ đồng/14.517 tỉ đồng, giá trị hiện tại thuần (NPV): 2.632 tỉ đồng/2.865 tỉ đồng, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) =32%/15,4%, thời gian hoàn vốn là 7,5 năm/9,5 năm, độ nhạy với mức độ giảm giá bán quặng 10-15%/6% và tổng vốn đầu tư tăng 40-50%/30%

Ngoài ra, dự án còn chưa tính đến một số nguồn thu lớn khác từ khoáng sản đi kèm như: sét làm gạch ngói khoảng 80 triệu m3; đá hoa đôlômit và đôlômit khoảng 145 triệu tấn), đá, cát sỏi (khoảng 280 triệu m3) và hàng trăm triệu đá thải mỏ có thể dùng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng cung cấp cho nhu cầu trong nước, góp phần hạn chế việc khai thác cát sỏi lòng sông đang gây nhiều hệ lụy xấu hiện nay;

Nguồn nước ngọt thu từ quá trình tháo khô mỏ với khối lượng lớn, qua xử lý sẽ là nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp trong khu vực, thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của dự án. Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng dự án cókhả thi.

Về năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê và tính khả thi trong việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương cho rằng khi dự án được khởi động lại hoàn toàn có thể đáp ứng.

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được khởi công từ 2009, với sự tham gia của các cổ đông như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng công ty Sông Đà...

Dự án tạm dừng triển khai 2 năm sau đó (2011) do gặp vướng mắc về vốn góp của các cổ đông, khó khăn trong huy động vốn. Tính đến cuối năm 2016 sau khi cơ cấu lại các cổ đông góp vốn, số tiền đã rót vào triển khai dự án này gần 1.600 tỉ đồng. Khoản tiền chủ yếu được chủ đầu tư rót vào các hạng mục như thiết kế kỹ thuật, địa chất, trắc địa môi trường và rà bom mìn; mua sắm máy móc thiết bị kỹ thuật... Nếu dự án dừng triển khai, khoản đầu tư này sẽ khó có cơ hội hoàn vốn.

Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Mỏ nằm cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 8 km về phía Đông Bắc, cách bờ biển Đông 1,6 km và cách cảng Vũng Áng 66 km. Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370 - 400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10 - 15 triệu tấn mỗi năm.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công Thương: Đề xuất dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê là chưa đủ cơ sở khoa học