Theo Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang, tuyến metro số 1 đang nợ nhà thầu khoảng 500 tỉ đồng và cần phải thanh toán ngay. Vì vậy, ông Quang kiến nghị lãnh đạo thành phố cho tạm ứng 500 tỉ đồng vốn ngân sách để trả nợ.

Tuyến metro số 1 của TP.HCM xin thêm 500 tỉ đồng để trả nợ nhà thầu

Phan Diệu | 28/07/2017, 14:11

Theo Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang, tuyến metro số 1 đang nợ nhà thầu khoảng 500 tỉ đồng và cần phải thanh toán ngay. Vì vậy, ông Quang kiến nghị lãnh đạo thành phố cho tạm ứng 500 tỉ đồng vốn ngân sách để trả nợ.

Ngày 28.7, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM 7 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm.

Tuyến metro số 1 lại đói vốn

Báo cáo tại cuộc họp, Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang tiếp tục thông báo với lãnh đạo thành phố về tình hình thiếu vốn của tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1).

Theo ông Quang, đến nay, tuyến metro số 1 đã thực hiện 67,4% với chiều dài 17,2km bắcqua 5 cầu, có 11 nhà ga; dự kiến tháng 8.2017 sẽ lắp đường ray. Từ tháng 4.2017 đến nay, các nhà thầu công trình đã làm việc rất tích cực để hoàn thành đúng tiến độ.

“Tuy nhiên, hiện tại chúng tanợ nhà thầu khoảng 500 tỉđồng. Chúng ta cần thanh toán ngay cho nhà thầu. Vì vậy, kiến nghị lãnh đạo thành phố cho tạm ứng vốn ngân sách của thành phố, bởi tình hình trên công trường hết sức khó khăn. Chúng tôi biết làm như thế về phía Bộ Tài chính cũng không đồng thuận lắm nhưng nếu không ứng vốn thì tiến độ công trình sẽ gặp khó khăn", ông Quang nói.

Ông Quang cho biết Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đã tích cực đeo bám Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thế nhưng Bộ vẫn chưa có đề xuất Chính phủ về việc phân bổ nguồn vốn trung hạn năm 2017 cho công trình.

“Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về việc bố trí vốn ODA cho tuyến metro nhưng chúng tôi theo dõi thì đến giờ phút này đã là 1 tháng nhưng Bộ Kế hoạch - Đầu tư vẫn chưa có động thái gì. Vì vậy, chúng tôi đề nghị thành phố có động thái thúc đẩy Bộ Kế hoạch - Đầu tư phân bổ vốn trung hạn và dài hạn cho dự án này”, ông Quang nói thêm.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở tài chính TP.HCM Phan Thị Thắng nói rằng ngân sách thành phố có thể đảm đương được việc tạm ứng vốn để trả cho nhà thầu. Thế nhưng, về thủ tục giữa thành phố và các bộ ngành còn “vướng rất dữ”. Bởi lẽ, Bộ Tài chính cũng không đồng ý cách ứng ngân sách của thành phố.

Do đó, bà Thắng cũng đề xuất lãnh đạo thành phố cần có có buổi làm việc riêng để bàn giải pháp cụ thể gỡ vướng chuyện này, trên cơ sở đó sẽ làm việc lại với Bộ Tài chính.

Trước các kiến nghị trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng bằng mọi cách phải đảm bảo đúng tiến độ của tuyến metro số 1. Vì vậy, ông đã yêu cầu Sở Tài chính có văn bản báo cáo các Bộ ngành theo tinh thần kết luận của Thủ tướng trong cuộc họp cuối tháng 6. "Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến giải quyết tạm ứng 500 tỉ đồng cho Ban quản lý đường sắt đô thị thanh toán cho nhà thầu", ông Phong yêu cầu.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, trong năm 2017, tuyến metro số 1 cần hơn 5.400 tỉ đồng, trong khi vốn Trung ương bố trí về chỉ 2.100 tỉ đồng. Số vốn này chỉ đủ trả nợ nhà thầu và tiền tạm ứng của thành phố, do trước đó TP.HCM đã ứng khoảng 900 tỉ đồng để chủ đầu tư trả tiền nhà thầu thanh toán cho công nhân.

Cầu vượt chưa giải quyết được ùn tắc giao thông

Liên quan tới việc ùn tắc giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết trong 37 điểm ùn tắc đã được Sở này xác định, hiện nay chỉ có 25 điểm có tiến triển. Còn lại, những điểm ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hay cảng Cát Lái vẫn còn diễn biến phức tạp.

“Mới đây, chúng ta đã đưa vào sử dụng 2 cầu vượt gần khu vực sân bay, tình hình ùn tắc có đỡ hơn một chút. Tuy nhiên, vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc ở khu vực này", ông Cường đánh giá.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, để xử lý triệt để tình trạng ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất trên lý thuyết là đã không thể, thế nên chỉ có thể kéo giảm ùn tắc. Bởi vậy, vừa qua, khu vực này đã đã xảy ra một vụ ùn tắc kéo dài nhiều giờ do cùng một thời điểm xảy ra ba sự cố.

Hiện tại, Sở Giao thông vận tải đã cho lắp camera ở tất cả các điểm nóng để khi xảy ra nạn sẽ có thông tin báo về ngay. Mặc dù vậy, khâu xử lý các sự cố hiện nay vẫn còn chậm.

Để giải quyết hạn chế này, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng cơ chế phối hợp với các đơn vị liên quan khi có sự cố xảy ra. Đến nay, cơ chế này bước đầu đã phát huy tác dụng, khi xử lý nhanh ùn tắc giao thông vào ngày 27.7 tại cầu vượt Lăng Cha Cả.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyến metro số 1 của TP.HCM xin thêm 500 tỉ đồng để trả nợ nhà thầu