Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh giải thích quyết định ban đầu Bộ này xin tạm dừng xuất khẩu gạo là do vấn đề an ninh lương thực phải đảm bảo đưa lên hàng đầu. Tuy nhiên, cơ quan này nhận được có độ vênh nhất định so với thực tế nên tiếp tục đề xuất xin tiếp tục được xuất khẩu.

Bộ Công Thương lý giải việc xin tiếp tục xuất khẩu gạo

25/03/2020, 13:27

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh giải thích quyết định ban đầu Bộ này xin tạm dừng xuất khẩu gạo là do vấn đề an ninh lương thực phải đảm bảo đưa lên hàng đầu. Tuy nhiên, cơ quan này nhận được có độ vênh nhất định so với thực tế nên tiếp tục đề xuất xin tiếp tục được xuất khẩu.

Sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh 2 tháng đầu năm - Ảnh: Internet

Dừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực

Trao đổi với báo chí sáng 25.3 về vấn đề tạm dừng xuất khẩu gạo đang thu hút sự quan tâm của dư luận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết diễn biến nghiêm trọng của bệnh dịch trên toàn thế giới và Việt Nam khiến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh, trong đó có gạo. Các nước trên thế giới đã bắt đầu nhu cầu tăng dự trữ gạo khiến giá cả biến động.

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đã đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Giá cả trong nước cũng có biến động theo chiều hướng chung, tăng từ 20-25% tùy theo từng chủng loại thóc cũng như là lúa gạo. Bộ Công Thương đánh giá nếu như việc xuất khẩu gạo cứ diễn tiến với tốc độ này Việt Nam có thể đối diện với rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ hai phương án: Một là tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo; Hai là xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Sau khi xem xét, lắng nghe ý kiến các bộ ngành, Chính phủ quyết định tạm giãn tiến độ xuất khẩu đến cuối tháng 5.

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Tạm hoãn xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường. Đây là tạm giãn chứ không phải dừng xuất khẩu".

Trước đề xuất này thì Bộ cũng tính đến cả phương án làm việc với ngân hàng, các cơ quan chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng. "Doanh nghiệp chắc chắn bị ảnh hưởng, nhưng mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an ninh lương thực cho người dân", Thứ trưởng nói.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Thứ trưởng Khánh cho biết số liệu gạo sản xuất, dự trữ và xuất khẩu mà Bộ Công Thương nắm được đã có độ vênh nhất định so với thực tế, đặc biệt là sản lượng tại đồng bằng sông Cửu Long và lượng tồn kho trong dân.

Theo Thứ trưởng, độ vênh về số liệu là dễ hiểu vì hiện tại Chính phủ đã tự do hóa thị trường xuất khẩu gạo. Chính phủ không yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký số lượng gạo sản xuất, tồn kho và xuất khẩu như trước đây nữa.

Bộ Công Thương chỉ quyết định dựa trên số liệu từ các bộ ngành khác. Số liệu sản xuất chung thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng số liệu xuất khẩu thì Tổng cục Hải quan lại nắm.

Theo đó, khi nhận được ý kiến một số doanh nghiệp, địa phương nói có độ vênh giữa số liệu Bộ Công Thương có được với số liệu thực tế họ có, Bộ Công Thương đã đề xuất lại tiếp tục xin xuất khẩu.

Nói về việc cung ứng gạo trong bối cảnh bệnh dịch, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết nếu dịch kéo dài thì đã có dự trữ quốc gia. Việc này Thủ tướng đã có chỉ đạo trong thông báo kết luận 121/TB-VPCP yêu cầu Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tăng cường lượng gạo dự trữ quốc gia.

Ngoài ra, Nghị định 107 cũng yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ lưu thông 5% lượng xuất khẩu trước đó của mình. Việc này nếu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, chúng ta cũng có thêm lượng dữ trữ nữa tại doanh nghiệp.

"Bộ Công Thương đã chuẩn bị tất cả kịch bản lưu thông phân phối hàng hóa, không để thiếu cục bộ bất kỳ chỗ nào. Mặt khác, vụ lúa của Việt Nam gieo trồng nhanh, trong thời gian ngắn có thể phục hồi đáp ứng yêu cầu. Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tuy nhiên tốc độ xuất khẩu vẫn phải được kiểm soát nhất định", Thứ trưởng khẳng định.

Trung Quốc tăng mua gạo Việt Nam

Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ gạo Việt lớn nhất, với hơn 7,8 triệu tấn trong 5 năm qua. Riêng 2 tháng đầu năm 2020, lượng gạo nước này nhập từ Việt Nam tăng đột biến với giá cao kỷ lục.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết 2 tháng đầu năm Việt Nam xuất khoảng 930.000 tấn gạo, trị giá hơn 430 triệu USD, tăng hơn 220.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu tăng hơn 31% và trị giá tăng hơn 39%.

Điều đáng nói, 2 tháng qua, các thương nhân Trung Quốc đột xuất tăng mua gạo Việt Nam với gần 66.200 tấn, tăng hơn 56.700 tấn, ước tính tăng 596% về lượng so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, không những tăng về sản lượng, giá mua gạo của Trung Quốc ở Việt Nam cũng tăng với 12,8 triệu đồng/tấn, cao hơn gần 2 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giá nhập khẩu gạo cao nhất mà Trung Quốc nhập từ Việt Nam trong 5 năm qua.

Ngoài Trung Quốc, một số thị trường khác cũng tăng thu mua gạo của Việt Nam là Pháp (tăng 554,1% về lượng và 723,6% về giá trị), Đài Loan (tăng 214% về lượng và 257,5% về giá trị), Nga (tăng 218,2% về lượng và 156,4% về giá trị).

Trước đó, ngày 24.3, Tổng cục Hải quan đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố yêu cầu các đơn vị này dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu các loại, bắt đầu từ ngày 24.3.

Tổng cục Hải quan cho biết quyết định dừng xuất khẩu gạo là thực hiện kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công Thương lý giải việc xin tiếp tục xuất khẩu gạo