Hệ thống nhà hàng, khách sạn ở châu Âu ngưng hoạt động để tránh lây lan của dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều đơn hàng bị ngưng và khách hàng thông báo chưa biết thời điểm nào sẽ giao dịch trở lại. Một số khách hàng EU nhân cơ hội liên tục ép giá bán giảm sâu, trong khi giá tôm và cá tra xuất khẩu sang thị trường này đã giảm mạnh thời gian qua.
Do tác động của dịch COVID-19, đặc biệt trong giai đoạn hai tuần đầu tháng 3, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Cho tới thời điểm này, đa số các doanh nghiệp đã bị sụt giảm từ 35-50% đơn hàng do bị hủy, lùi đơn hàng hay thiếu nguyên liệu.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, trong tháng 1 gần toàn như toàn bộ hoạt động xuất khẩu cá tra bị gián đoạn hoặc ngưng trệ sang thị trường lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ tháng 3, khu vực ảnh hưởng bắt đầu lan rộng sang khu vực châu Âu.
Tại một số nước, khách hàng đã tạm dừng mọi giao dịch, nhà hàng và khách sạn đều đã đóng cửa để ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát. Đơn hàng mới chưa được ký lại, hàng tồn kho lớn. Ở thời điểm này, khi Ý, Đức và Anh - những thị trường tiềm năng cho cá tra Việt Nam trở thành trọng tâm của đại dịch đã khiến hoạt động giao thương sang các thị trường này ngưng trệ.
Hệ thống nhà hàng, khách sạn đã ngưng hoạt động để tránh lây lan của dịch bệnh khiến nhiều đơn hàng đã bị ngưng và khách hàng thông báo chưa biết thời điểm nào sẽ giao dịch trở lại. Một số khách hàng EU còn ép giá giảm liên tục trong khi, giá cá tra xuất khẩu sang thị trường này đã giảm mạnh thời gian qua.
Đến giữa tháng 3, nhiều đơn hàng tại Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ đã bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng mà chưa có thời gian quay trở lại.
Đầu năm nay, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam (sau Mỹ và Trung Quốc - Hồng Kông), nhiều đơn hàng cá tra sang thị trường này đã bị ngưng trệ. Đây được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng và ổn định trong khối ASEAN trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Trước tình hình hiện tại, các đơn hàng cá tra sang Malaysia trong 3 tháng tới vẫn tiếp tục chờ phản hồi từ phía các đối tác.
Ngoài các thị trường xuất khẩu lớn, trong hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cá tra sang Brazil giảm 16%; Mexico giảm 58,7%, Colombia giảm 6%, Australia giảm 22,7%...
Trong khi đó, mặt hàng tôm cũng chịu sức ép không kém khi đơn hàng xuất khẩu tôm đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được, lượng tồn kho tại cả nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu đều lớn, kho lạnh đã đầy và không còn đủ sức chứa, cho dù tại nhiều nước nhập khẩu, nhà cung cấp đã linh hoạt giảm giá bán từ 25-30% nhưng cũng không thể kích cầu.
Một doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết: "Mặc dù hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn ở hầu hết các thị trường nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố gắng duy trì công ăn việc làm cho công nhân, phân chia lại lịch làm việc cho phù hợp với mức lương giảm tương ứng, đào tạo tay nghề cho người lao động để có khả năng làm việc đầy đủ các mặt hàng".
Tình hình tương tự này cũng đang diễn ra đối với các doanh nghiệp hải sản. Nhiều doanh nghiệp nhận định tháng 1 mới là thời điểm bắt đầu cho giai đoạn ách tắc trong hoạt động thương mại thủy sản. Từ tháng 3 này khi dịch bệnh tăng tốc và lan tỏa ở mức độ chóng mặt sẽ kéo theo những hệ quả nặng nề ngày càng trầm trọng hơn.
Khó chồng khó, thời gian qua, các doanh nghiệp thủy sản cho biết tình trạng hạn mặn bất thường đã xảy ra ở ĐBSCL khiến cho vùng nuôi cá tra nguyên liệu bị ảnh hưởng nặng nề. Người nuôi ở một số địa phương đã ngưng thả nuôi do không đủ điều kiện nước, thủy lợi cho việc thả vụ mới. Điều này càng tác động lớn hơn tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại nhiều địa phương.
Tuyết Nhung