Tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) đến hết quý 1/2022 còn âm 169,920 tỉ đồng.
Bộ Tài chính vừa cập nhật, tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến cuối quý 1/2022. Theo đó, số dư quỹ BOG đến hết quý 1/2022 (đến hết ngày 31.3.2022) là âm 169,920 tỉ đồng.
Tổng số trích quỹ BOG trong quý 1/2022 (từ ngày 1.1.2022 đến hết ngày 31.3.2022) là 601,780 tỉ đồng.
Tổng số sử dụng quỹ BOG trong quý 1/2022 (từ ngày 1.1.2022 đến hết ngày 31.3.2022) là 1.671,421 tỉ đồng.
Lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG dương trong quý 1/2022 là 1,637 tỉ đồng.
Lãi vay phát sinh trên số dư quỹ BOG âm trong Quý I năm 2022 là 499 triệu đồng.
Trước đó, số dư quỹ BOG tại thời điểm 31.12.2021 là 898,582 tỉ đồng; số dư quỹ BOG đến hết quý 3/2021 đến hết ngày 30.9.2021 là 824 tỉ đồng; số dư quỹ BOG đến hết quý 2/2021 ngày 30.6.2021 là 1.122 tỉ đồng; số dư quỹ BOG đến hết quý 1/2021 là 5.340 tỉ đồng; Số dư quỹ BOG tại thời điểm 31.12.2020 là 9.234 tỉ đồng.
Tại kỳ điều chỉnh ngày 11.5, giá xăng E5RON92 đã tăng thêm 1.490 đồng/lít, giá xăng RON95 được điều chỉnh tăng thêm 1.550 đồng/lít. Như vậy, giá xăng E5RON92 lên mức 28.950 đồng/lít, và giá xăng RON95 cũng lên mức kỷ lục 29.980 đồng/lít.
Đây là đợt tăng giá liên tiếp từ cuối tháng 4 và sau đợt tăng này, giá xăng RON95 đã lập đỉnh mới, cao hơn mức thiết lập hồi giữa tháng 3 là 160 đồng/lít. Riêng xăng E5RON92 thấp hơn mức đỉnh hồi tháng 3 khoảng 30 đồng/lít. Dầu hỏa giá 25.160 đồng/lít, tăng 1.340 đồng. Dầu diesel 26.650 đồng/lít, tăng 1.120 đồng. Dầu mazut giữ nguyên giá, 21.560 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh này, cơ quan quản lý thực hiện trích lập quỹ BOG đối với các mặt hàng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và RON95 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước là 400 đồng/lít), dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, dầu hỏa ngừng trích lập (kỳ trước là 119 đồng/lít) và dầu mazut tiếp tục không trích lập.
Chi quỹ BOG đối với dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu mazut ở mức 33 đồng/kg (kỳ trước không chi), các mặt hàng xăng dầu khác không chi.
Kể từ đầu năm nay, việc điều chỉnh giá xăng dầu được áp dụng theo chu kỳ 10 ngày (ngày 1, 11 và 21 hằng tháng), diễn biến giá trong nước theo sát hơn với giá thế giới. Tuy nhiên, mức giảm không như kỳ vọng của người tiêu dùng, vì mức trích lập quỹ BOG xăng dầu khá cao, cơ quan quản lý giải thích là hầu hết các doanh nghiệp đều bị âm quỹ BOG xăng dầu.
Trong thực tế, cả 6 kỳ tăng giá xăng dầu liên tiếp vào đầu năm 2022, cơ quan điều hành đã phải liên tục chi sử dụng quỹ, đi kèm với ngừng trích quỹ để "hãm" đà tăng giá xăng dầu. Trước đó, trong năm 2021 tại mỗi kỳ điều hành, quỹ BOG xăng dầu đã chi liên tục với mức chi từ 100 - 2.000 đồng/lít/kg để giữ ổn định giá.
Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho biết việc chi liên tục và ngừng trích hoặc trích quỹ ở mức thấp (dưới 300 đồng) khiến cho quỹ BOG xăng dầu bị âm, nhiều doanh nghiệp âm quỹ với mức lớn. Trong đó, Petrolimex âm 382 tỉ đồng (đến ngày 12.4), PVOil âm 1.095 tỉ đồng (tính đến 31.3)...