Chiều 23.9, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã báo cáo với Hội đồng về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019 – 2020 cũng như định hướng nhiệm vụ năm học 2020 – 2021 và các năm tiếp theo. Trong đó, về định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025, theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, vẫn giữ ổn định như năm 2020 và có điều chỉnh bổ sung một số điểm mang tính kỹ thuật.
Các ý kiến chuyên gia đều đồng tình giữ nguyên kỳ thi THPT là cần thiết
Theo GS.TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết việc tổ chức kỳ tốt nghiệp THPT, không chỉ theo đúng quy định của Luật Giáo dục, mà còn tạo động lực để thúc đẩy công tác dạy và học, đánh giá chất lượng giáo dục trên cả nước làm cơ sở xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục. "Nếu không tổ chức kỳ thi chúng ta sẽ không kiểm soát được việc dạy và học để định hướng học sinh trong việc đổi mới giáo dục".
Trong khi đó PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết chỉ có qua kỳ thi THPT mới đánh giá được học sinh học tốt môn học nào, lĩnh vực nào qua đó biết địa phương nào còn yếu để còn điều chỉnh.
Còn GS.TS Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng qua 6 năm thực hiện lộ trình đổi mới, kỳ thi THPT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. “Nếu kỳ thi tổ chức thi như năm nay thì đáp ứng được khoảng 80% yêu cầu của các trường đại học. Các kỳ thi THPT đánh giá được hệ thống giáo dục và còn là cơ sở tạo động lực thúc đẩy, tạo ra sự tiến bộ trong quá trình dạy và học của các thầy cô giáo lẫn học sinh. Kết quả của kỳ thi không chỉ thể hiện qua điểm số mà bản thân các thầy cô, học sinh cũng rèn luyện kỹ năng, ý chí. Mỗi giáo viên, học sinh đều có nhu cầu được đánh giá đúng năng lực của mình. Vì vậy, kỳ thi THPT là rất cần thiết để đánh giá quá trình học tập của cả học sinh lẫn cách dạy của giáo viên, định hướng của địa phương".
Tính toán tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính từ năm 2025
Cần giữ ổn định nhưng phải theo hướng hiện đại hóa
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, giữ ổn định và hiện đại hoá, chuẩn hoá phương án tổ chức kỳ thi THPT là hướng đúng, khả thi. Kỳ thi đáp ứng được 3 nguyên lý giáo dục cơ bản: Học và thi; phi tập trung hoá, phân cấp, bảo đảm độc lập giữa người tổ chức thi và người sử dụng kết quả thi; tính liên ngành và ứng dụng công nghệ.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, qua 6 năm thực hiện, lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia đến lúc này đã hoàn thành, việc tổ chức kỳ thi sau năm 2020 cơ bản ổn định. Bộ GD-ĐT tập trung chủ yếu vào 2 khâu: Ngân hàng đề thi và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. “Vì vậy, phương án tổ chức kỳ thi năm 2021 không có gì thay đổi cả về số môn thi, phạm vi kiến thức, cách thức tổ chức... giống như kỳ thi năm 2020. Lộ trình đến năm 2025, các địa phương sẽ chủ trì kỳ thi tốt nghiệp THPT với hình thức thi trên máy tính" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ GD-ĐT đưa ra lộ trình thực hiện gồm 4 bước, trong đó năm 2020: Quyết định và công bố lộ trình triển khai để các bên liên quan biết, chủ động kế hoạch triển khai, nhất là đối với cơ sở giáo dục đào tạo và cơ sở giáo dục đại học. Năm 2021, tổ chức thi ổn định như năm 2020. Từ năm 2022, tổ chức thi cơ bản như năm 2020, từng bước triển khai thi trên máy tính (với các địa phương đủ điều kiện) và giao các địa phương đủ điều kiện xây dựng, sử dụng ngân hàng câu hỏi, đề thi phù hợp với điều kiện địa phương. Từ năm 2023, chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2025 với các hình thức thi trên máy tính do địa phương chủ trì toàn diện. Xét công nhận tốt nghiệp chỉ sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không kết hợp sử dụng kết quả học tập lớp 12 của thí sinh như trước đây.
Bộ GD-ĐT chọn thi cử là khâu đột phá vì được người dân quan tâm, nhiều bức xúc nhất. Qua 6 năm thực hiện, lộ trình đổi mới thi đến nay cơ bản đã hoàn thành. Năm nay, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng chúng ta đã tổ chức tốt kỳ thi và các trường đại học đang thực hiện xét tuyển theo tiến độ. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ có báo cáo Chính phủ về 6 năm thực hiện đổi mới thi. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT cần tập trung xây dựng ngân hàng đề thi ngày càng phong phú, có lộ trình công khai để thí sinh học, ôn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, có lộ trình tiến tới thi qua máy càng nhiều càng tốt, thi nhiều đợt trong năm, thi qua các trung tâm khảo thí độc lập, thi tại trường.
Phát triển giáo dục nhưng cấm mọi hình thức đưa sách tham khảo vào trường học
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT thông tin cụ thể về chương trình Giáo dục phổ thông mới thì một số chuyên gia giáo dục cho rằng một nhà xuất bản không nên có quá nhiều bộ sách giáo khoa khiến nguồn lực bị phân tán, gây tốn kém, chất lượng không được đảm bảo theo yêu cầu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết trong thời gian vừa qua có nhiều ý kiến cho rằng một số địa phương đã xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu việc đưa sách giáo khoa tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. Sách giáo khoa thì được đưa vào nhà trường, đến từng học sinh, còn sách tham khảo không được đưa vào nhà trường, khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa cũ. Bộ GD-ĐT khẩn trương áp dụng công nghệ thông tin cho phép từng học sinh đăng ký mua sách giáo khoa qua mạng, nơi nào chưa có mạng thì hệ thống bưu điện sẽ thống kê giúp để các nhà xuất bản nắm được đầy đủ nhu cầu để chuẩn bị, sau đó chuyển trực tiếp đến tận tay học sinh. Bên cạnh đó, hệ thống này cũng sẽ cho phép học sinh đăng ký nhận sách cũ, học lại để giảm số lượng sách in mới, tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh nên phân định rõ sách giáo khoa và sách tham khảo, cấm tất cả các loại sách tham khảo ở bậc tiểu học để tránh sự trục lợi từ lợi ích nhóm. Đối với sách tham khảo, Bộ GD-ĐT phải sửa đổi, bổ sung quy định không chỉ cấm việc ép phụ huynh, học sinh mua sách tham khảo mà phải cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học.
Dạ Thảo - Ảnh: Đình Nam