Gần 2 tuần học sinh đi học trở lại đã ghi nhận số F0 trong trường tăng cao ở Hà Nội và các địa phương.

Bộ GD-ĐT nói gì về xử trí khi có F0 trong trường học?

Theo TNO | 18/02/2022, 07:00

Gần 2 tuần học sinh đi học trở lại đã ghi nhận số F0 trong trường tăng cao ở Hà Nội và các địa phương.

hoc-sinh-6708.jpg
Học sinh trở lại trường học tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Ngọc Dương

Thực tế những hướng dẫn của Bộ GD-ĐT dù mới sửa đổi nhưng cũng có điểm không còn phù hợp trong việc xử trí khi có học sinh (HS) là F0, F1. Vậy, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói gì về vấn đề này?

Văn bản hướng dẫn: 1 F0, cả lớp là F1?

Ngày 27.1, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 406 phê duyệt “Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học” (sửa đổi, bổ sung). Trong đó có hướng dẫn cụ thể các bước về xử lý trường hợp HS phát hiện nhiễm COVID-19 tại cơ sở giáo dục.

Theo đó, bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch, cha mẹ HS, tiếp tục cách ly tạm thời F0; thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai, phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 96% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ: tư vấn, hướng dẫn cha mẹ HS đưa HS về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp cận xử lý theo quy định.

Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ HS, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người). Các lớp học khác hoạt động bình thường.

Bước 4: Cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Công văn số 647 ngày 16.11.2021). Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu có 1 ca dương tính với COVID-19 thì cho toàn bộ HS trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định.

Bộ GD-ĐT đang đề nghị Bộ Y tế sửa 2 công văn trên theo hướng cụ thể hơn, khoanh hẹp đối tượng F1 và rút gọn thời gian cách ly F1 nhất có thể để thuận tiện cho việc mở cửa trường học trên toàn quốc.

Bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng nêu: “Nếu trong cùng 1 ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau, tổ chức ngay việc tầm soát theo quy mô: 2 lớp ở cùng tầng thì xét nghiệm kiểm tra cho HS, giáo viên của tất cả lớp học trên cùng tầng; 2 lớp ở khác tầng, cùng khối thì xét nghiệm kiểm tra cho HS, giáo viên của tất cả lớp học trong cùng khối nhà; 2 lớp ở các khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm, kiểm tra cho toàn bộ HS, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì chỉ xử lý theo lớp học”.

Đề nghị linh hoạt để thuận tiện cho việc mở cửa trường

Trên thực tế, tại các trường học ở Hà Nội với tình hình F0 xuất hiện ở hầu khắp các lớp sau hơn 1 tuần trường học mở cửa trở lại, nếu thực hiện theo hướng dẫn trên thì các lớp sẽ phải đóng cửa và lại chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc xác định F1 hiện nay Bộ đang thực hiện theo Công văn số 10696/BYT-MT ngày 16.12.2021 và Công văn số 647/MT-VP ngày 16.11.2021 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, bà Minh cho biết: “Bộ GD-ĐT cũng đang có ý kiến để cần điều tra dịch tễ truy vết sâu, khoanh vùng hẹp, không phải trường hợp nào F0 thì cả lớp cũng coi là F1. Bộ GD-ĐT đang đề nghị Bộ Y tế sửa 2 công văn trên theo hướng cụ thể hơn, khoanh hẹp đối tượng F1 và rút gọn thời gian cách ly F1 nhất có thể để thuận tiện cho việc mở cửa trường học trên toàn quốc”.

Ngày 14.2, tại cuộc làm việc về hoạt động dạy học trực tiếp tại các tỉnh Nam Định và Thái Bình, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, việc ứng phó khi có F0 trong trường học cần thực hiện linh hoạt, ổn định về mặt tâm lý và không hoang mang. Tùy điều kiện từng nơi mà có thể linh hoạt trong việc truy vết sâu, khoanh vùng hẹp nếu phát hiện F0 trong trường học. Trong một lớp có đông HS thì khi xuất hiện 1 F0, không nhất thiết phải cho cả lớp nghỉ học để cách ly.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD-ĐT nói gì về xử trí khi có F0 trong trường học?