Ngày 17.2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học.

Không test sàng lọc học sinh và tổ chức ăn bán trú khi phụ huynh yêu cầu

Dạ Thảo | 17/02/2022, 15:14

Ngày 17.2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học.

Bộ GD-ĐT đề nghị không test sàng lọc học sinh trước khi đến trường

Tại cuộc họp, Bộ GD-ĐT cho biết từ khi mở cửa trường học cho học sinh học trực tiếp đến nay đã ghi nhận nhiều học sinh và giáo viên đã bị lây bệnh, là các F0 để điều trị. Tuy nhiên việc mở cửa trường học là yêu cầu bức thiết, khi trẻ ở nhà lâu sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường, không chỉ chậm chương trình học văn hóa, kiến thức, mà còn tác động rất lâu dài đến sự phát triển của các cháu. Hiện nay, mục tiêu đầu tiên của cả ngành giáo dục chính là mở cửa trường học cho học sinh trở lại trường một cách an toàn nhất có thể.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, tính từ ngày 7.2 đến nay, tổng số học sinh học trực tiếp là 21.001.019/22.409.817 em, chiếm 93,71% tổng số học sinh. Vẫn theo Bộ trưởng, việc đưa học sinh tới trường học trực tiếp được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia... ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Hiện nay có một số ít địa phương vẫn chưa quyết định việc cho trẻ mầm non và tiểu học tới trường. Và một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm thăm dò, đặc biệt đối với cấp mầm non và tiểu học.

Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế cần có hướng dẫn điều chỉnh cụ thể hơn về thời gian điều trị, cách ly, xét nghiệm đối với ca nhiễm, trường hợp F1. Bộ Y tế cũng điều chỉnh số lần cách ly và xét nghiệm cho các trường hợp chính là giáo viên và học sinh là F1 khi đi học. Ban hành Sổ tay hướng dẫn cho nhà trường và phụ huynh việc chăm sóc trẻ em F0 tại nhà để tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh.

Tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn về chăm sóc, thuốc điều trị cho học sinh mắc COVID-19 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội. “Đề nghị lãnh đạo các địa phương, Sở Y tế cũng như Sở GD-ĐT không quy định các học sinh phải sàng lọc trước khi đến trường. Chỉ xét nghiệm với những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0”, ông Sơn nói.

di-hoc-tro-lai-20.jpg
Các học sinh khi đi học sẽ không cần phải test sàng lọc trước khi đến trường

Các trường mở cửa đón học sinh cần có phòng cách ly tạm thời riêng

Đưa ra ý kiến của mình khi tham dự cuộc họp với ngành y tế và giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thời gian tới cần lưu ý triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi theo hướng dẫn cụ thể nhất của Bộ Y tế. Kiểm soát tốc độ lây nhiễm trong trường học, có phương án xử lý ca mắc, trường hợp F1 hợp lý, nhất là liên tục cập nhật hướng dẫn điều trị… Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn vấn đề xét nghiệm trong trường học, theo dõi sức khỏe trẻ em bị bệnh nền, có vấn đề về sức khỏe; thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em là F1, nghiên cứu để các học sinh có thể học bán trú theo yêu cầu của phụ huynh.

Bộ GD-ĐT tạo tiếp tục tổ chức, kiện toàn các phương thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình như một phần của chương trình cải cách giáo dục chứ không chỉ trong thời gian dịch bệnh. “Các phương án chống dịch, nhất là trong trường học rất phải chi tiết, không nói đại thể được, liên tục phải cập nhật, tập huấn, phải hướng dẫn, truyền thông một cách xuyên suốt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.

Về việc chăm sóc trẻ em, học sinh nếu không may là F0, ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho rằng khi nhà trường mở cửa đón học sinh trở lại thì cần đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh, mỗi học sinh có một cốc uống nước, đồ dùng cá nhân riêng. Bố trí đủ và đảm bảo nơi rửa tay với nước sạch và xà phòng. Nhà vệ sinh sạch sẽ, đủ các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học. Khi học sinh trở lại lớp, cơ sở giáo dục bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường, cha mẹ học sinh không được vào trong khu vực trường. Phòng học cần mở cửa thông thoáng, sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa, nếu sử dụng điều hòa, lớp học phải mở cửa cho thông thoáng.

Khi học sinh đi học, trường cần khử khuẩn bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy (2 lần/ngày). Đồng thời, sàn nhà, phòng học, phòng chức năng, khu vệ sinh cần được vệ sinh hàng ngày hoặc khi thấy bẩn. Các thiết bị dạy học, tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ,... của phương tiện đưa đón học sinh cũng cần vệ sinh thường xuyên. Hạn chế sử dụng các đồ chơi, dụng cụ học tập bằng các vật liệu không khử khuẩn được. Bố trí đủ thùng đựng rác, thu gom, xử lý hàng ngày.

"Khi nhà trường phát hiện có F0 tại trường thì phòng cách ly tạm thời phải có công trình vệ sinh khép kín, đảm bảo trang thiết bị y tế cơ bản, có thùng đựng chất thải có nắp đậy, có nơi rửa tay với xà phòng, đảm bảo vệ sinh hàng ngày. Đối với các phụ huynh học sinh khi phát hiện con có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… thì cho học sinh nghỉ tại nhà, báo ngay cho nhà trường, cơ quan y tế để có biện pháp xử lý thích hợp. Hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng. Sau đó, nhà trường khai thác các tiền sử tiếp xúc của học sinh này, thông báo phụ huynh và tham vấn ý kiến y tế địa phương"- ông Dương Chí Nam nói.

Những học sinh không phải là F1 khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học bình thường. Trường hợp nếu là F1: cho học sinh F1 ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với học sinh lớp khác, các lớp này vẫn đi học bình thường.

Bài liên quan
153 trường học ở Hà Nội vẫn chưa thể đón học sinh đến trường
Đến ngày 13.9, toàn TP.Hà Nội còn 153 trường học chưa thể đón học sinh đến trường học tập trực tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Pháp luật phải vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển
7 giờ trước Sự kiện
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới; quy định, chính sách nào tốt nhất cho đất nước thì cương quyết làm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không test sàng lọc học sinh và tổ chức ăn bán trú khi phụ huynh yêu cầu