Đây là tuần đầu tiên phim "Bố già" công chiếu tại Mỹ, đúng ngay dịp cuối tuần nối với lễ Memorial Day, cũng chính là thời điểm thị trường phim ảnh Mỹ hy vọng kéo khách trở lại rạp sau một năm đóng cửa vì đại dịch...

‘Bố già’ chiếu tại Mỹ ngay lúc ngớt dịch COVID-19

Theo NĐT | 04/06/2021, 11:22

Đây là tuần đầu tiên phim "Bố già" công chiếu tại Mỹ, đúng ngay dịp cuối tuần nối với lễ Memorial Day, cũng chính là thời điểm thị trường phim ảnh Mỹ hy vọng kéo khách trở lại rạp sau một năm đóng cửa vì đại dịch...

Chiều Chủ nhật 30.5, tôi và người bạn cùng mấy đứa con đi xem Bố già, suất 5 giờ, ở rạp Regal Garden Grove (Orange County, California). Trước đó vài ngày, chúng tôi đã thử tìm đặt vé bộ phim này ở cụm rạp AMC The Block nhưng các suất chiều tối đều không còn vé. Đây là tuần đầu tiên phim Bố già công chiếu tại Mỹ, đúng ngay dịp cuối tuần nối với lễ Memorial Day, cũng chính là thời điểm thị trường phim ảnh Mỹ hy vọng kéo khách trở lại rạp sau một năm đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

phimbogia1.jpg

Tác giả (trái) và người bạn tại rạp Regal Garden Grove, California - một trong 20 cụm rạp đang trình chiếu bộ phim "Bố già" ở Mỹ.

Trước đó, ngày 19.5, tại khu phức hợp cinema AMC Century Los Angeles, diễn viên kiêm cựu thống đốc California - Arnold Schwarzenegger, đã lên sân khấu kêu gọi dân chúng tự tin trở lại rạp hát: “Chúng ta trở lại!” (We’re back). Chiến dịch "trở lại" này bắt đầu vào cuối tuần qua với việc tung ra các "siêu phẩm" như Cruella của hãng Disney, A Quiet Place Part II của hãng Paramount... Và trong cơn lốc đó, Bố già của Việt Nam đã có mặt, ở 20 cụm rạp của 11 tiểu bang trên toàn nước Mỹ.

Vậy thì làm sao mà tôi có thể bỏ qua, nhất là khi mình đang sống ở ngay vùng đông người Việt nhất nước Mỹ. Nơi mà chỉ hơn mươi phút lái xe là có thể có ngay một tô cháo lòng hay một mâm bún đậu mắm tôm nóng sốt. Và cũng hơn mươi phút lái xe là có thể ngồi ghế rạp hát duỗi thẳng chân "gặp" Bố già, để được cười khóc với một bộ phim Việt mới công chiếu ở Việt Nam hai tháng trước. Đó không phải là một khoảnh khắc thú vị hay sao.

Khoảnh khắc thú vị đó, còn là khi tôi thấy đôi mắt con trai mình hoe đỏ, cũng như tôi vài lần rấm rứt, khóc mà chẳng ngại mấy đứa nhỏ ngồi bên. Thì tụi nó cũng như mình thôi, ai mà không có một người cha, để cảm nhận, để khóc cười với một cảnh phim hay một lời hát, thế này. Một bộ phim làm cho mình khóc được, hoặc cười được, với tôi, đã là phim đáng để xem rồi.

Mà nào chỉ riêng tôi, hôm qua khi chia sẻ trên trang cá nhân về chuyện xem phim, nhiều bạn tôi ở Việt Nam vào nói rằng khi xem họ cũng khóc. Nó làm tôi nhớ Lá sầu riêng, khi người ta nhắc về tác phẩm kinh điển của nền kịch nghệ miền Nam ấy, không ai dài dòng về nghệ thuật cao siêu nào cả, mà người ta chỉ nói ngay: Lá sầu riêng coi khóc quá chừng luôn! Như với phim Bố già, nghệ sĩ Hồng Đào, sống ở Fountain Valley gần chỗ tôi, sớm nay cũng viết trên Facebook sau buổi xem phim tối qua: "... đến khi đèn bật sáng, má ơi, mấy ông em lực lưỡng của tui, ông nào ông nấy mắt đỏ hoe. Cảm xúc của bộ phim cứ theo chúng tôi mãi đến nỗi bạn bè tôi quyết định... sẽ xem Bố già một lần nữa".

phimgbogia2.jpg

Gia đình nghệ sĩ Hồng Đào đi xem phim Bố Già (hình chụp từ facebook của nghệ sĩ Hồng Đào).

Chỉ ba ngày sau khi phim ra rạp, Deadline Hollywood - một trong những trang tin lớn về giải trí của Mỹ đã có bài viết "Phim Việt Nam Bố già đã đặc biệt tỏa sáng đặc biệt tại phòng vé, doanh thu hơn 350 ngàn Mỹ kim trong dịp cuối tuần lễ Memorial" (*). Như vậy, sau kỷ lục doanh thu 400 tỷ (**) trong nước mà chưa một phim Việt nào đạt được, Bố già lại tiếp tục bước ra thị trường quốc tế với Úc rồi Mỹ, và tiếp tục được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả Việt kiều. Bộ phim thành công rất lớn về mặt doanh thu nhưng quan trọng hơn, nó còn cho thấy khả năng hội nhập quốc tế của những bộ phim ‘made in Vietnam’ chất lượng thật sự.

Mấy năm nay đã vài lần ra rạp xem phim Việt, lần nào tôi cũng có cảm giác xúc động. Không phải chỉ vì lâu lâu mới được xem một bộ phim nói tiếng Việt, cảnh Việt, người Việt, tâm tình Việt... ngay trên đất Mỹ, mà còn vì tự hào khi thấy cái poster phim Việt "sánh vai" cùng những posters phim Mỹ hào nhoáng trong các rạp hát ở ngay California - nơi "đại bản doanh" của Hollywood.

Ở đây, tôi đã ra rạp xem Mùa len trâu, Đảo của dân ngụ cư, Tháng năm rực rỡ, Song lang trong các Liên hoan phim Việt như của VAALA; và cũng đã xem Hai Phượng rồi lần này Bố già là những phim chiếu rạp không trong khuôn khổ Liên hoan phim nào cả. Khi mua vé vào xem những bộ phim ấy, có thể với không ít người Việt ban đầu chỉ đơn giản là để ủng hộ "phim nhà" hoặc vì tò mò "xem cho biết" nhưng khi ra khỏi rạp họ đã có được cảm giác khác: thỏa mãn, hài lòng. Như anh Nghĩa Bùi ở Allen- Texas, một người viết và dịch thuật khá am tường về nghệ thuật, đã nhận định trên Facebook sau khi xem Bố già vào tối 29.5: "...Ra khỏi rạp cảm thấy mát lòng. Mấy đứa nhỏ nhà tui đó giờ sợ phim Việt gần chết nhưng coi xong cũng khoái. Lứa trẻ trẻ chắc sẽ rất thích. Bà xã, người cực kỳ khó tính đối với phim, kịch, đồng ý đây là một bước tiến của điện ảnh Việt Nam"

Tôi cũng đã bước ra khỏi rạp Regal Garden Grove tối hôm kia với một tâm trạng như thế, mát lòng, vì xem được một phim Việt hay ngay trên đất Mỹ trong những ngày cuộc sống nơi đây bắt đầu trở lại nhịp bình thường sau một năm bất thường vì đại dịch.

Thúy Hà (viết từ California, Mỹ)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
2 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Bố già’ chiếu tại Mỹ ngay lúc ngớt dịch COVID-19