Quyết định lấy tên hai danh họa hàng đầu Việt Nam là Nam Sơn và Nguyễn Phan Chánh đặt cho hai phố mới ở thủ đô vừa được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 18 HĐND TP.Hà Nội khóa XV.

Danh họa Nam Sơn và Nguyễn Phan Chánh được đặt tên phố ở Hà Nội

Tiểu Vũ | 01/06/2021, 17:50

Quyết định lấy tên hai danh họa hàng đầu Việt Nam là Nam Sơn và Nguyễn Phan Chánh đặt cho hai phố mới ở thủ đô vừa được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 18 HĐND TP.Hà Nội khóa XV.

Phố Nam Sơn trải dài từ ngã ba giao cắt với phố Hoàng Liệt tại chợ Xanh đến ngã ba giao cắt phố Nguyễn Phan Chánh tại lô BT01 khu đô thị bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai).

Phố Nguyễn Phan Chánh từ ngã ba giao cắt với phố Nam Sơn cạnh trụ sở Công ty Viễn thông Hà Nội đến ngã ba giao cắt phố Bằng Liệt tại cầu Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai).

Họa sĩ Nam Sơn tên thật là Nguyễn Vạn Thọ, có nhiều đóng góp to lớn cho nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Ông cũng là một trong những thành viên sáng lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - nơi đào tạo ra những họa sĩ tài danh của nền mỹ thuật Việt Nam. 

unnamed(1).jpg
Danh họa Nam Sơn - Ảnh: Tư liệu 

Năm 1923, họa sĩ Nam Sơn tham gia triển lãm đầu tiên tại Hà Nội với 4 bức tranh sơn dầu là Tĩnh vật, Nhà nho xứ Bắc, Cô gái Bắc Kỳ, Ông già Kim Liên. Đây là những bức tranh sơn dầu đầu tiên của hội họa Việt Nam. Năm 1930, Nam Sơn và bức tranh Chợ gạo bên sông Hồng của ông được tham dự Triển lãm Hội họa Paris.

Trong cuộc triển lãm, bức Chợ gạo bên sông Hồng là bức tranh đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được nước Pháp mua và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Pháp. Năm 1946, ông Nam Sơn được Bộ Giáo dục nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mời làm cố vấn của Viện Đông Dương bác cổ. 

Năm 1998, ba tác phẩm của họa sĩ Nam Sơn đã được chọn tham gia triển lãm Mùa xuân Việt Nam ở Paris, Pháp do Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam và Tòa Thị chính Paris tổ chức. Cũng trong năm 1998, cuốn sách Voyager Magazine được xuất bản tại Paris đã giới thiệu về cuộc triển lãm này và trong sách có in bức Chân dung người nông dân của Nam Sơn với lời bình ghi ngay trên tác phẩm: "Chỉ cho tới ngày nay, sau bao nhiêu năm bị lãng quên, các họa sĩ Việt Nam đã buộc người ta phải kính trọng".

Họa sĩ Nam Sơn qua đời năm 1973 tại Hà Nội. 25 năm sau khi qua đời, ông được Hội Mỹ thuật Việt Nam đề nghị truy tặng Huy chương "Vì sự nghiệp mỹ thuật" năm 1998.

portraitnpc-1-.jpg
Danh họa Nguyễn Phan Chánh - Ảnh: Tư liệu

Danh họa Nguyễn Phan Chánh sinh năm 1892, là sinh viên khóa đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng học với các danh họa Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Georges Khánh (điêu khắc).

Ông được xem là danh họa nổi tiếng trong nghệ thuật tranh lụa với số lượng ước tính trên 170 tác phẩm. Nguyễn Phan Chánh cũng là người giữ kỷ lục về số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Một số tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã được trưng bày ở các quốc gia trên thế giới như Ý năm 1934, San Francisco (Mỹ) năm 1937, Tokyo (Nhật Bản) năm 1940.

Tại triển lãm tranh Paris năm 1931, Giám đốc Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Victor Tardieu đã mang một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh về Pháp giới thiệu. Đây cũng là lần đầu tiên công chúng Pháp được thưởng thức nghệ thuật tranh lụa Việt Nam. Gần đây, bức tranh Người bán gạo (tên tiếng Pháp là La marchand de riz) được bán với giá kỷ lục là 390.000 USD trong cuộc bán đấu giá của Christie's International tại Hồng Kông ngày 27.5.2013. 

Danh họa Nguyễn Phan Chánh qua đời ngày 22.11.1984 tại Hà Nội.

Bài liên quan
Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm và triển lãm ‘Cùng sánh bước’
Lão họa sĩ Nguyễn Thị Tâm trở lại với triển lãm “Cùng sánh bước” ở tuổi 85 tại TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Danh họa Nam Sơn và Nguyễn Phan Chánh được đặt tên phố ở Hà Nội