Sau vụ chìm thuyền trên sông Chanh, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu rà soát toàn diện trên các tuyến vận tải thủy nội địa, tuyến vận tải khách từ bờ ra đảo.
Bộ GTVT vừa có văn bản triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong phạm vi thẩm quyền của mình trực tiếp hoặc chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát toàn diện trên các tuyến vận tải thủy nội địa, tuyến vận tải khách từ bờ ra đảo, đặc biệt là các phương tiện chở khách từ bờ ra đảo và chú trọng các tuyến đi Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc, Cát Bà, Vịnh Hạ Long.
Các nội dung kiểm tra, rà soát gồm: việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động vận tải khách như: đăng ký, đăng kiểm phương tiện, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; việc duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật trong quá trình vận hành; áo phao và dụng cụ cứu sinh; thiết bị nhận dạng tự động của tàu thuyền; định biên và danh bạ thuyền viên; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn, không trang bị phao cứu sinh, không mặc áo phao theo quy định.
Bộ GTVT cũng yêu cầu tăng cường thực hiện kiểm tra hoạt động tại các cảng, bến tàu, bến hành khách, bến khách ngang sông, các phương tiện thủy phục vụ du lịch, lễ hội, các tàu cao tốc chở khách; chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm thiết bị cứu sinh và chở đúng số người quy định, việc thực hiện phòng chống cháy nổ trên phương tiện; kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, hàng hải.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành phố phải khẩn trương tăng cường lực lượng và có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm chống lấn chiếm, tái lấn chiếm phạm vi bảo vệ luồng (luồng chạy tàu thuyền, hành lang bảo vệ luồng) trên các tuyến vận tải đã được công bố.
Cùng với đó là hướng dẫn việc thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, hàng hải nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đường thủy nội địa, hoạt động quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa, việc triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên sông, trên biển, đặc biệt trong những tình huống điều kiện thời tiết, thủy văn bất lợi.
Trước đó, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo các địa phương trong cả nước và cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các chủ phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu, thuyền du lịch, đánh cá và vận tải) triển khai công tác bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên sông, trên biển, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa thường xảy ra dông, lốc bất ngờ.
Thủ tướng yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn, không trang bị phao cứu sinh, không mặc áo phao theo quy định.
Trước đó, vụ việc xảy ra vào khoảng hơn 5 giờ ngày 25.4 tại khu vực sông Chanh (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Vào thời điểm này, trên chiếc thuyền nan có bà N.T.T (SN 1979, trú khu 12, phường Hà An, TX.Quảng Yên, chủ phương tiện) và 5 người khác đi làm thủy sản.
Trong quá trình di chuyển từ bến đò phường Phong Hải sang bến đò phường Hà An thì gặp cơn dông lốc khiến lật thuyền làm 4 người mất tích.
Qua xác minh ban đầu, 4 người mất tích gồm: N.T.H (SN 1982), N.T.M (SN 1983), N.T.N (SN 1979, cùng trú tại Thôn Đình 1, xã Liên Vị, TX.Quảng Yên); D.T.C (SN 1966, trú thôn Cẩm Liên, xã Cẩm La, TX.Quảng Yên). Riêng chị N.T.T cùng N.T.N bơi vào bờ và được cứu hộ an toàn.
Sau vụ việc, cơ quan chức năng đã huy động 12 tàu, hơn 250 người tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích.