Đài CNN ghi nhận tình cảnh cư dân Dải Gaza tuyệt vọng tìm kiếm thức ăn và nhu yếu phẩm ở khắp nơi – bằng chứng cho thấy xung đột Israel - Hamas gây thiệt hại dân sự vô cùng lớn.
Một người đàn ông vác 6 lọ dầu ăn cố gắng bước qua đống đổ nát. Hai cô bé vừa chạy vừa mang theo nhiều chồng giấy trắng dùng để nhóm lửa để nấu ăn và sưởi ấm. Một nhóm người khác tranh cãi, thúc cùi chỏ vào nhau khi họ cố gắng tìm bột mì, một ít trà hay thậm chí chỉ một tấm chăn bị bỏ lại.
Đây là cảnh tượng ở thành phố Deir al-Balah - nơi không kích ngày 4.12 phá hủy nhà cửa, đường phố lẫn tiệm bánh Al-Baraka (một trong số ít tiệm bánh còn lại).
Deir al-Balah tọa lạc tại miền trung Dải Gaza – khu vực bị quân đội Israel oanh tạc ngày càng nhiều. Trước đó quân đội Israel đề nghị người dân miền Bắc sơ tán về miền Nam an toàn hơn, nhưng đồng thời lại tuyên bố sẵn sàng tấn công Hamas “ở bất cứ đâu”.
Cư dân thành phố cho biết không kích diễn ra trong đêm, đến sáng hôm sau mọi người đổ xô đi đào bới đống đổ nát nhưng không phải tìm kiếm người thân mà là tìm thức ăn và nhu yếu phẩm.
Xung đột Israel - Hamas đã bước sang tuần thứ 9, trật tự xã hội tại Dải Gaza bắt đầu xuất hiện dấu hiệu đổ vỡ. Đã có tin tức về tình trạng người dân cướp bóc để sinh tồn.
Israel chặn nguồn cung nước, thức ăn và điện của hơn 2 triệu dân Gaza từ ngày 9.10 đến nay. Giao tranh cướp đi sinh mạng gần 16.000 người.
Cuối tháng 10, Liên Hợp Quốc cảnh báo trật tự xã hội có thể bị phá vỡ khi hàng nghìn người Palestine lấy đi nhu yếu phẩm như bột mì cùng vật tư y tế khỏi các kho hàng. Người đứng đầu Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) Thomas White cho biết: “Mọi người sợ hãi, thất vọng và tuyệt vọng”.
“Thật là hỗn loạn”, một cư dân Deir al-Balah nói với CNN vào ngày 4.12. Đứng phía sau ông là đám đông đang nhặt nhu yếu phẩm. Một cư dân khác tên Kamil Al-Raie nói rằng cái đói khiến người dân Dải Gaza thực hiện những hành động tuyệt vọng như đào bới đống đổ nát.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) xác định toàn bộ người dân Dải Gaza đều cần viện trợ lương thực, nhưng hệ thống cung cấp thực phẩm lại đang sụp đổ. Tiệm bánh cuối cùng mà WFP hợp tác phải đóng cửa vì không có nhiên liệu cùng khí đốt.
Ibrahim Dabbour sống tại Deir al-Balah cho biết, tiệm Al-Baraka từng cung cấp bánh mì cho cư dân giúp xoa dịu cơn đói. Ông cho rằng hành động không kích tiệm bánh nên bị xem như tấn công khủng bố.
Dù Mỹ liên tục yêu cầu giảm thiểu thiệt hại dân sự ở miền Nam, nhưng dường như Israel đang quyết tâm xóa sổ Hamas nên đã không ngần ngại nhắm vào mục tiêu dân sự.