Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết ngày 7.2.2021 tới đây bộ máy của TP Thủ Đức chính thức được thành lập và đi vào hoạt động.

Bộ máy thành phố Thủ Đức chính thức hoạt động từ ngày 7.2

Phan Diệu | 31/12/2020, 15:18

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết ngày 7.2.2021 tới đây bộ máy của TP Thủ Đức chính thức được thành lập và đi vào hoạt động.

Ngày 31.12, tại buổi lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành quyết định 88 về thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Theo ông Phong, Ban Chỉ đạo nhận thức rằng vấn đề trước là ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự khi tiến hành sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Ngày 7.2.2021 bộ máy của TP Thủ Đức chính thức được thành lập.

Đáng chú ý, ông Phong nói rằng TP.HCM sẽ tập trung triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức, bộ máy qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ ngày 1.1.2021 đến ngày 7.2.2021, hoàn thành việc sắp xếp, bàn giao, ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất. Đến ngày 7.2.2021, toàn bộ hệ thống các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở TP Thủ Đức và các phường trực thuộc chính thức đi vào hoạt động.

Giai đoạn 2: Từ ngày 7.2.2021 đến ngày 23.5.2021, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; đồng thời, thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan đến đời sống, an sinh xã hội, kinh doanh cho cá nhân và tổ chức với nguyên tắc không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Giai đoạn 3: Sau ngày 23.5.2021, các cơ quan chức năng của TP.HCM và TP Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan sau bầu cử.

nghi-quyet-tp-thu-duc.jpg
Lãnh đạo TP.HCM nhận Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP Thủ Đức

Để TP Thủ Đức phát triển, ông Phong nói TP.HCM sẽ nghiên cứu xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Trước mắt, TP.HCM sẽ chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nhằm tạo tính đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của TP Thủ Đức. Việc này nhằm hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

TP.HCM triển khai loạt dự án trọng điểm ở TP Thủ Đức

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, trên địa bàn TP Thủ Đức, TP.HCM có kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông; các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa thể dục thể thao; công viên cây xanh; hạ tầng số và chuyển đổi số.

Cụ thể, trong đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, TP.HCM tập trung lập quy hoạch tổng thể TP Thủ Đức; xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí thiết kế hạ tầng kỹ thuật thông minh, hạ tầng xã hội tiên tiến, thiết kế công trình thân thiện môi trường. TP.HCM cũng sẽ tập trung triển khai xây dựng phát triển và kêu gọi đầu tư 8 trung tâm chức năng trong Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông để thay đổi nhanh chóng diện mạo TP Thủ Đức.

Đó là Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái - khu vực Tam Đa và Đại học Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng Container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai.

chu-tich-nguyen-thanh-phong-tp-thu-duc.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi lễ

Về hạ tầng giao thông, TP.HCM nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông đến năm 2040; mở rộng mạng lưới giao thông tuyến đường sắt đô thị số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Đặc biệt, TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện mạnh mẽ hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu TP Thủ Đức.

Trong phát triển hạ tầng số và chuyển đổi số, TP.HCM thực hiện dự án xa lộ thông tin; thiết lập cổng quốc tế để kết nối trực tiếp khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.HCM với quốc tế. Thành phố còn ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử; xây dựng, đầu tư hệ thống 5G cho TP Thủ Đức.

TP Thủ Đức là "thành phố trong thành phố" đầu tiên của Việt Nam được hình thành trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng diện tích và dân số của 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 34 phường, rộng 211,56 km2 và hơn 1 triệu dân.

Bài liên quan
Kiến nghị ban hành nghị định riêng về cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng TP Thủ Đức là trung tâm khoa học, ứng dụng công nghệ cao, nên cần thiết thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ, và có nghị định riêng về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ máy thành phố Thủ Đức chính thức hoạt động từ ngày 7.2