Bộ Nội vụ vừa xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Bộ Nội vụ cho biết, mặc dù Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng từ ngày 1.7.2018, tuy nhiên mức lương này vẫn còn chênh lệch quá nhiều so với mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp và chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Cụ thể, mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng/tháng mới đạt 41,62% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2018 (là 3,34 triệu) và chỉ đạt 39,46% so với nhu cầu sống tối thiểu bình quân năm 2018 (là 3,522 triệu đồng).
Điều này dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn. Tuy điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lương vũ trang, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 70/2018 ngày 9.12.2018, trong đó quy định thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng (tăng thêm 7,19%) từ ngày 1.7.2019.
Cơ quan này cho rằng việc xây dựng Nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở là cần thiết để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Như vậy, nếu áp dụng mức lương cơ sở mới là 1,49 triệu đồng/tháng từ ngày 1.7.2019 thì mức lương của các chức danh lãnh đạo sẽ như sau:
Nếu áp dụng mức lương này, các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ có mức lương thấp nhất là 14,453 triệu đồng/tháng, cao nhất là 15,347 triệu đồng/tháng.
Hiện lương của các bộ trưởng tính theo mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng, tương ứng với 13,483 triệu đồng bậc 1 và 14,317 triệu đồng bậc 2.
Trong khi đó, các công chức trình độ đại học mới đi làm hiện hưởng hệ số lương là 2,34, nếu áp dụng mức lương mới thì sẽ được tăng lên thành 3,486 triệu đồng/tháng.
Về kinh phí thực hiện, theo Bộ Nội vụ, đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở trung ương sẽ sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm theo dự toán được giao năm 2019 của các cơ quan. Một phần nguồn thu được để lại theo chế độ, hoặc sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang nếu có.
Đối với các tỉnh, thành trực thuộc trung ương sẽ sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên; 50% tăng thu ngân sách địa phương; 50% phần ngân sách giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính; sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chuyển sang nếu có; hoặc sử dụng nguồn còn dư nếu có.
Bên cạnh đó, ngân sách trung ương sẽ bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2019 cho các đơn vị.
Lam Thanh