Chính phủ sẽ phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%.

Chính phủ phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%

02/01/2019, 16:11

Chính phủ sẽ phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%.

Nghị quyết 42 ra đời đã có nhiều chuyển biến trong việc xử lý nợ xấu - Ảnh minh họa

Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 Chính phủ vừa ban hành yêu cầu quyết liệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020.

Đồng thời, có giải pháp để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%.

Cùng với đó là tạo chuyển biến căn bản về quản trị ngân hàng, hiệu quả và an toàn hoạt động. Tập trung xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Nghị quyết cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ. Thúc đẩy áp dụng Chuẩn mực an toàn Basel II.

Theo số liệu công bố của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2% (năm 2017: 65,4%).(không bao gồm nợ bán cho VAMC).

Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại bằng các hình thức khác. Một số ngân hàng thương mại đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC hoặc chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý.

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42, toàn hệ thống xử lý được khoảng 30% nợ xấu xác định tại thời điểm 15.8.2017.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cho rằng Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã gom được nợ xấu từ các ngân hàng về một chỗ, để từ đó bảng cân đối tài chính của các ngân hàng sạch sẽ và rõ ràng hơn.

Theo ông Thịnh, việc này cũng tạo ra sức ép cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, điều đáng lo là việc đưa nợ xấu về VAMC nó cũng chỉ là gom nợ về một chỗ, để các ngân hàng và tổ chức tín dụng rảnh tay xử lý, làm đẹp bản tài chính của mình chứ chưa thực sự bán được khoản nợ xấu đó đi.

“Việc gom lại một chỗ để bán cũng chưa tương xứng với mong muốn, tỷ trọng bán vốn trong những năm qua quá ít so với số nợ đưa về VAMC. Như vậy, cái mà chúng ta mong muốn VAMC sẽ huy động được nguồn vốn từ các nhà đầu tư để xử lý món nợ xấu này là không đạt được”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho rằng nguyên nhân VAMC không hoạt động như mong muốn là do cơ chế mua bán nợ xấu vẫn chưa được hoàn thiện. Tùy vào mức độ nợ xấu, khi bán phải giảm giá đi, nhưng việc này rất có thể vướng vào lao lý, nên không ai dám làm.

Ví dụ tài sản thế chấp phải bán 1 tỉ đồng nhưng hiện nay tài sản này xuống giá, chỉ bán được vài trăm triệu. Do vậy nhiều cán bộ không dám ký để bán và tài sản này vẫn nằm đó. Việc hình sự hóa các hoạt động kinh tế cũng gây trở ngại cho hoạt động thanh lý tài sản đảm bảo.

Sau hơn 1 năm Nghị quyết 42 được Quốc hội thông qua, ông Thịnh nhận định việc xử lý nợ xấu của VAMC cũng được đẩy nhanh lên, có những tác động tích cực đến việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, để mà xử lý nợ xấu được một cách tốt nhất thì những giải pháp mà nghị quyết này đưa ra là chưa đủ.

Hơn nữa, việc thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều.

Ngoài ra, cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản đảm bảo chưa đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng nên các tổ chức này gặp khó khăn trong việc xác định tài sản bảo đảm nào đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc thu hồi tài sản bảo đảm vẫn chưa diễn ra trơn tru. Nếu không có sự hợp tác của người đi vay thì ngân hàng cũng như VAMC gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một số tài sản thế chấp nó ở trong tình trạng tranh chấp nên việc thu hồi tài sản, ra tòa là việc rất khó khăn. Ngoài ra, còn nhiều quy định về đất đai, tài sản thế chấp còn chồng chéo nên hành lang pháp lý chưa được rõ ràng.

Đặc biệt, ông Hiếu cho rằng hiện tại cũng chưa có được thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Nếu Ngân hàng Nhà nước chủ trì thành lập được một “sân chơi” mua bán nợ, có sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì tiến trình xử lý nợ xấu sẽ nhanh hơn.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%