Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Nghị quyết 02 Chính phủ vừa ban hành yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Theo đó, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Trong đó, Nghị quyết yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trước quý 3/2019, báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; xác định hạn mức số tiền tối đa nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hàng tháng.
Cùng với đó là yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản.
Bộ Tài chính trước quý 3/2019 phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử.
Bộ Công an cần đẩy nhanh tiến độ kết nối, chia sẻ thông tin thu phạt với Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp được giao quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và các đơn vị có liên quan; ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu phạt vi phạm hành chính.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện các giải pháp vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các tổ chức, đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng nhận các khoản trợ cấp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo ít nhất trên địa bàn đô thị đạt 10% đến hết năm 2019 và 30% đến hết năm 2020.
Nghị quyết cũng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo tất cả các công ty điện lực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; khuyến khích người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng các giải pháp điện tử, di động; trong năm 2019 tăng gấp đôi số người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán điện tử.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ: Ban hành kế hoạch thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4; hoàn thành trước tháng 12.2019. Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
“Yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Hoàn thành trước tháng 12.2019”, Nghị quyết nêu.
Đòi hỏi bắt buộc của nền kinh tế
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, trong nền kinh tế hiện nay, việc áp dụng phương tiện điện tử vào thanh toán gần như là đòi hỏi bắt buộc. Với mục tiêu giảm thiểu sử dụng tiền mặt, đòi hỏi thanh toán không dùng tiền mặt phải gia tăng. Nhiều quốc gia xung quanh Việt Nam, kể từ các chợ hay cửa hàng bán lẻ cũng đã áp dụng thanh toán điện tử. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều khó khăn.
“Đó là thói quen dùng tiền mặt của người dân trong mua bán, giao dịch vẫn còn lớn. Điều này xuất phát từ sự tiện lơi của thanh toán tiền mặt trong điều kiện hiện nay, khi việc thanh toán điện tử đang ở mức rất thấp”, ông Thịnh nói.
Theo chuyên gia này, việc thanh toán điện tử đòi hỏi phải có hạ tầng cơ sở, mạng lưới liên kết, có nền tảng công nghệ... Phải có giải pháp để bắt tay giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, các cửa hàng. Khi người tiêu dùng thấy thanh toán điện tử tiện dụng thì họ sẽ thu hẹp dần việc thanh toán bằng tiền mặt.
“Hiện nay trả lương qua thẻ, nhưng rồi người dân lại phải xếp hàng, rút tiền mặt ra để tiêu, rất phức tạp. Nếu có giải pháp để người dân có thể tiêu trực tiếp tiền đó ở thẻ, hoặc đóng tiền điện, nước, viện phí… trực tiếp từ thẻ thì sẽ rất tiện dụng”, ông Thịnh nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, song song với việc xây dựng mạng lưới liên kết để thanh toán không dùng tiền mặt cũng cần nâng cao tính an toàn của phương tiện thanh toán này, có giải pháp để chống lại các cuộc tấn công mạng, đánh cắp tài khoản, tiền bạc của người dân.
Không in thêm tiền giấy mệnh giá nhỏ
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay cả nước có gần 18.300 ATM, hơn 289.000 POS, 76 ngân hàng đã cung ứng dịch vụ Internet banking, 44 ngân hàng có dịch vụ thanh toán qua điện thoại, 24 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán...
Vẫn theo cơ quan này, hiện chi phí sản xuất giấy, mực, in ấn... và vận chuyển loại tiền giấy mệnh giá nhỏ như 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng cao hơn giá trị mệnh giá của chính những tờ tiền đó. Để tiết kiệm và lượng tiền giấy vẫn đủ tiêu chuẩn lưu thông, nhiều năm nay tiền mệnh giá nhỏ đã không còn được in ấn cho ra thị trường nữa.
Lam Thanh