Chuyên gia của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (Aphis, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) sau khi trở lại Việt Nam sẽ được cách ly y tế trước khi thực hiện công tác kiểm dịch một số mặt hàng trái cây.
Ngày 31.8 ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông thuộc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) xác nhận thông tin các chuyên gia của Aphis sẽ chính thức sang Việt Nam để kiểm dịch một số mặt hàng trái cây. Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết Aphis đã thống nhất đồng ý cử chuyên gia sang Việt Nam để thực hiện kiểm dịch thực vật xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ.
Tuy nhiên trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tìm chuyến bay thích hợp để đưa chuyên gia của Mỹ sang cũng khá khó khăn. Việc lưu trú lại trong thời gian cách ly và công tác của phía chuyên gia Mỹ cũng phải đạt tiêu chuẩn theo ý họ.
Trước đó, từ tháng 3.2020 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và ở Mỹ cũng bắt đầu tăng cao số ca nhiễm, Mỹ đã yêu cầu nhân viên Mỹ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của Aphis. Theo một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở ĐBSCL, sau khi nhân viên Aphis về nước, việc kiểm dịch trái cây xuất khẩu sang Mỹ đã bị ách tắc khoảng một tuần.
Thời điểm này, việc kiểm dịch trái cây xuất khẩu sang Mỹ được xử lý thông qua việc đưa nhân viên của văn phòng Aphis tại Việt Nam (trụ sở ở TP.Hà Nội) nhận ủy quyền vào TP.HCM thực hiện kiểm dịch tạm thời trước khi xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan, việc kiểm dịch tạm này cũng bị gián đoạn và gần đây được trao lại cho người của Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM thực hiện.
Để trái cây rộng đường sang Mỹ, Việt Nam đã có đề nghị phía Mỹ cho chuyên gia kiểm dịch của Aphis sang tiếp tục thực hiện công việc kiểm dịch. Việc này đã được phía Mỹ thống nhất và sẽ chính thức sang Việt Nam vào ngày 2.9 tới.
Thị trường Mỹ có nhiều yêu cầu rất khắt khe trong việc nhập khẩu trái cây. Để trái cây vào được thị trường này, bắt buộc phải trải qua khâu chiếu xạ. Theo đó, các chuyên gia Mỹ sẽ chọn ngẫu nhiên một vài thùng của lô hàng để đưa vào phòng kiểm dịch. Chuyên gia sẽ cắt trái cây ra rồi quan sát bằng mắt thường và kính lúp để xem có vi sinh vật hay không.
Nếu trái cây không có vi sinh vật thì lô hàng mới được đưa vào chiếu xạ để xuất sang Mỹ. Còn ngược lại, nếu không đạt, thì lô hàng đó sẽ bị hủy, không thực hiện việc chiếu xạ. Chiếu xạ trái cây tươi là công nghệ sử dụng năng lượng bức xạ ion hóa để xử lý sản phẩm. Việc này nhằm tiêu diệt các ký sinh trùng, ruồi đục quả, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Việt Nam hiện có 6 loại trái cây được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ, gồm: thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài.
Thanh Nguyên