Trước những bất ổn của thị trường xăng dầu, trong đó nguồn cung bị trục trặc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khảo sát tại Tổng kho xăng dầu Đức Giang.

Bộ trưởng Công Thương kiểm tra tổng kho xăng dầu, chỉ ra loạt bất cập

Bài và ảnh: Tuyết Nhung | 15/10/2022, 19:28

Trước những bất ổn của thị trường xăng dầu, trong đó nguồn cung bị trục trặc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khảo sát tại Tổng kho xăng dầu Đức Giang.

Ngày 15.10, Bộ Công Thương đã thông tin về cuộc làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Công ty Xăng dầu khu vực 1, khảo sát Tổng kho Xăng dầu Đức Giang (ở Q.Long Biên, Hà Nội) thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vào ngày 14.10.

0ec48083-53dd-468c-bc23-5f6f31a87c85.jpeg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiểm tra tại kho xăng dầu

Theo đó, Bộ trưởng Diên đã chỉ ra loạt vấn đề còn tồn tại tại tổng kho xăng dầu này.

Cụ thể, trong hoạt động điều phối kinh doanh của mình, từ thương nhân phân phối đến cửa hàng bán lẻ, có lúc có nơi chưa thật tốt, một số thời điểm chưa cung ứng xăng dầu kịp thời đến những nơi cần thiết; dự trữ thương mại có lúc chưa bảo đảm về khối lượng và thời gian theo đúng quy định; ở một số khu vực, dự trữ nhà nước còn bị trộn lẫn với dự trữ thương mại; điều kiện để thực hiện dự trữ đạt yêu cầu theo quy định hiện hành, nhưng trên thực tế có những nơi chưa phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Công Thương cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này. Về nguyên nhân khách quan, các quy định hiện hành, thậm chí có những quy định vừa mới được sửa đổi (như Nghị định 95), qua cơn sốc khan hiếm xăng vừa rồi đã bộc lộ bất cập. Các quy chuẩn, định mức đã đề xuất nhưng chưa được ban hành; sửa đổi thuế, phí, các loại định mức còn chậm.

Vì vậy, cần phải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia để có đề xuất đối với cấp thẩm quyền; phải đề cao hơn nữa trách nhiệm của mỗi cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong việc phối hợp quản lý mặt hàng này, đặc biệt là trong những tình huống cấp bách.

Bộ trưởng Diên cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, mà trước hết là ý thức chấp hành các quy định chưa thật tốt; chưa làm tốt công tác dự báo nên việc lên các phương án dự phòng chưa sát tình hình thực tế; mối liên kết trong các chuỗi cung ứng từ tập đoàn đến các công ty thành viên, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ chưa thật sự chặt chẽ, hợp lý; cùng với đó là công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời, thiếu kiểm soát, xử lý chưa kiên quyết.

9e89d8b5-06fe-4f16-863f-7b489d5ea775.jpeg

Bộ trưởng đã giao cho Tập đoàn Petrolimex và Công ty Xăng dầu khu vực I thực hiện 5 nhiệm vụ cụ thể, trong đó cần tập trung triển khai các nhiệm vụ kinh doanh, dự trữ xăng dầu theo quy định hiện hành, đồng thời chấn chỉnh, xốc lại tổng thể các mối liên kết trong chuỗi cung ứng hoạt động kinh doanh xăng dầu từ tập đoàn đến các đơn vị bán lẻ, kể cả ngoài hệ thống của mình.

Nắm bắt từ hoạt động thực tiễn trong kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ dự trữ nhà nước, dự trữ thương mại, Bộ trưởng Diên yêu cầu tập đoàn tiếp tục tổng hợp những bất cập và đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập đó. 

“Bộ Công Thương với tư cách là bộ có chức năng quản lý nhà nước về cung ứng và kinh doanh xăng dầu sẽ tiếp thu các ý kiến, đồng thời  phối hợp với các bộ ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương để có những uốn nắn, sửa chữa kịp thời trong thời gian tới”, Bộ trưởng Diên khẳng định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đối với mọi quốc gia, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, không chỉ đơn thuần là năng lượng cho sản xuất, đời sống mà còn là an ninh quốc gia. Đây được coi là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật giá trị và phải được đặt dưới sự quản lý của nhà nước. Chính phủ các nước đều có những tác động cần thiết, thậm chí là rất lớn vào những thời điểm cần phải bình ổn mặt hàng chiến lược này.

Mặc dù hệ thống pháp luật về quản lý, điều hành kinh doanh mặt hàng xăng dầu đã có sự thay đổi nhưng vẫn có độ trễ nhất định so với những biến động khó lường, “dị biệt” của thị trường trong thời gian qua. Khủng hoảng năng lượng diễn ra gay gắt do tác động của đại dịch COVID-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất và cung ứng mặt hàng chiến lược này trên toàn cầu; cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn… làm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường xăng dầu trong nước. 

Những yếu tố đó đã tác động, làm bộc lộ rõ nét hơn những hạn chế trong hoạt động quản lý kinh doanh, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia đối với mặt hàng chiến lược này.

Bài liên quan
Bộ Công Thương chỉ ra 4 nguyên nhân làm thiếu xăng dầu cục bộ
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết việc thiếu xăng dầu cục bộ thời gian vừa qua là do 4 nguyên nhân chính.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Công Thương kiểm tra tổng kho xăng dầu, chỉ ra loạt bất cập