Bên hành lang Quốc hội ngày 26.5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, việc vì sao chuyển tên từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” BOT sẽ được ông trả lời trong phiên chất vấn tới đây.
Bộ Thể nói: “Trong nội dung trả lời chất vấn lần này tôi sẽ cung cấp thông tin liên quan đến BOT”. Cũng theo ông,nội dung liên quan đến việc đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” BOT cũng nằm trong phần trả lời này.
Trước đó, ngày 22.5, vị Bộ trưởng này phát biểu tại phiên thảo luận tổ rằng:“Thời gian qua trạm thu giá BOT rất nóng, chưa lúc nào nóng như năm 2017, nhưng đây là sản phẩm của giai đoạn trước, nhiệm kỳ trước”.
Cũng trong ngày 22.5, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thể đã lý giải việc dùng tư “thu giá BOT” thay cho “thu phí OBT”. Theo ông Thể, hình thức BOT được xem là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp muốn tăng giá thì phải đăng ký với Bộ GTVT.
Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, Bộ GTVT sẽ xem xét và chỉ khi nào cảm thấy hài hòa hết các lợi ích, bảo đảm chi phí xã hội thấp nhất thì mới được điều chỉnh giá, nếu không thì không cho điều chỉnh.
Ngoài ra, theo ông Thể việc đổi tên như vậy sẽ linh động hơn trong mức thu. Cụ thể, nhà nước sẽ điều chỉnh nhanh chóng (không phải thông qua HĐND) để đáp ứng được điều kiện của từng trạm thu giá ở từng vị trí, từng khu vực. Có những vị trí vì điều kiện cho phép nên được điều chỉnh giảm rất sâu.
Theo dự kiến, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn5 nhóm, trong đócó nhóm vấn đề về GTVT như giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các TP lớn; giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT.
Nhóm vấn đề liên quan tới giao thông vận tải sẽ do Bộ trưởng GTVTtrả lời chính. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng các bộ Xây dựng, KH-ĐT, Tài chính, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ... cùng tham gia trả lời và giải trình những vấn đề liên quan.
Cũng theo dự kiến chương trình làm việc, lần đầu tiên, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và TP.HCM sẽ tham gia trả lời chất vấn cùng Bộ trưởng GTVT.
4 nhóm vấn đề còn lại liên quan đến quản lý đất đai; xây dựng; giáo dục đào tạo; lao động việc làm sẽ do Bộ trưởng TN&MT, Xây dựng; GD-ĐT; LĐ-TB-XH trả lời chính. Cùng với đó là sự tham gia giải trình của một số bộ liên quan.
Phiên chất vấn dự kiến sẽ có sự tham gia trả lời của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam.
Riêng nội dung quản lý đất đai còn có sự ‘"đăng đàn" của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.
Theo lịch làm việc của Quốc hội, phiên chất vấn sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 4 - 6.6.
Nam Phong