Bộ trưởng Carlos Del Toro chỉ trích Trung Quốc ngày càng tăng các hành động hung hăng trên Biển Đông, xâm phạm chủ quyền lãnh hải của các nước láng giềng, vi phạm luật pháp quốc tế.
Khi trả lời phỏng vấn của hãng tin AP nhân chuyến thăm Philippines ngày 26.7, Bộ trưởng Del Toro trấn an các đồng minh châu Á nói chung và Philippines nói riêng: Sự chú ý của quân đội Mỹ sẽ không bao giờ giảm đối với tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là Biển Đông. Ông còn nhấn mạnh sự chú ý này đã tăng lên bất chấp chiến tranh ở Ukraine.
Tuyên bố của Bộ trưởng Del Toro phù hợp với cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Mỹ sẽ tôn trọng Hiệp định Phòng thủ chung ký năm 1951, theo đó Mỹ sẽ bảo vệ nếu quân đội, máy bay và tàu chiến của Philippines bị tấn công ở các vùng biển tranh chấp.
Ông Del Poro nói: “Như Tổng thống Biden đã phát biểu, nếu một nước nào đó vi phạm chỉ một tấc chủ quyền toàn vẹn của Philippines, dù dưới biển hay trên bờ hay đảo, chúng tôi sẽ có mặt ở đó để hỗ trợ quốc gia và dân tộc Philippines theo từng cách có thể”.
Mỹ không đòi chủ quyền ở Biển Đông, nhưng nói các giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp - cùng với hoạt động hàng hải, hàng không tự do trên Biển Đông chiến lược, một tuyến hàng hải quan trọng của thế giới - là những quyền lợi quốc gia của Mỹ.
Theo AP, Trung Quốc trong vài năm gần đây đã gia tăng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Việt Nam, Philippines, Brunei, Đài Loan và Malaysia.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, sau đơn kiện của chính quyền Philippines lúc đó. Bắc Kinh không công nhận và tiếp tục thách thức phán quyết này.
AP nhắc lại việc Trung Quốc đã chuyển 7 bãi san hô tranh chấp thành các căn cứ quân sự có tên lửa bảo vệ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm trái phép.
Mỹ xem các hoạt động này là “rất đáng ngại”, và Mỹ cùng các nước phương Tây đã gây sức ép bằng những hoạt động tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) quanh các nơi mà Trung Quốc đòi chủ quyền trái phép.
Trong hai ngày 13 và 16.7, khu trục hạm USS Benfold thuộc Hạm đội 7 hải quân Mỹ đã thực hiện chiến dịch FONOP ở Biển Đông, tiến sát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Các hoạt động của chiến hạm Benfold ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đều bị phía Trung Quốc phản đối.
Trung Quốc không hài lòng với tuyên bố của Bộ trưởng Hải quân Mỹ. Theo AP, Sứ quán Trung Quốc ở Philippines hôm 29.7 phàn nàn tuyên bố là “cáo buộc vô cớ và ác ý nhằm bôi nhọ Trung Quốc” và thổi phồng “mối đe dọa từ Trung Quốc”.
Sứ quán Trung Quốc ở Philippines nói những hoạt động quân sự của Mỹ “từ nửa vòng trái đất” nhằm “phô trương cơ bắp, khiêu khích quân sự và gây căng thẳng trên không và trên biển, tiến hành các hành động bắt nạt nhân danh tự do hàng hải”.
Sứ quán Trung Quốc nói việc Mỹ triển khai hoạt động quân sự ở Biển Đông là “bắt nạt” và có thể gây ra các cuộc đối đầu. Tuyên bố của sứ quán viết: “Nhằm duy trì thế độc bá, Mỹ gia tăng phô diễn sức mạnh ở khu vực này, cố tình khoét sâu các bất đồng và gây căng thẳng. Trung Quốc và các bên tranh chấp đã thực hiện kiềm chế, giữ sự khác biệt và tranh chấp đi theo hướng tham vấn và quản lý”.
Sứ quán Trung Quốc còn tuyên bố Biển Đông không phải là “bãi săn” của các nước ngoài khu vực, càng không nên là “bãi giành giật” của các cường quốc : “ Chúng tôi kiên quyết ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho việc giải quyết và quản lý các tranh chấp một cách hòa bình, đồng thời dứt khoát từ chối những lời nói và hành động nhằm gây ra căng thẳng và đối đầu trong khu vực”.
Tuy nhiên, trong nhiều năm, các bên tranh chấp như Philippines đã có nhiều công hàm ngoại giao phản đối các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc, gồm cải tạo 7 bãi san hô thành các căn cứ có tên lửa bảo vệ.
Các đối thoại ngoại giao đã vài lần hạ nhiệt căng thẳng nhưng không kết thúc được các hoạt động của Trung Quốc, theo AP.