Các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Mỹ liên tục đến châu Phi để lôi kéo châu này về phe mình. Có thể xem đây là cuộc tranh giành ảnh hưởng mãnh liệt tại lục địa đen từ sau Chiến tranh lạnh.

Nga và phương Tây chạy đua giành ảnh hưởng ở châu Phi

Bảo Vĩnh | 29/07/2022, 17:01

Các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Mỹ liên tục đến châu Phi để lôi kéo châu này về phe mình. Có thể xem đây là cuộc tranh giành ảnh hưởng mãnh liệt tại lục địa đen từ sau Chiến tranh lạnh.

‘Chiến tranh lạnh' mới

Theo hãng tin AP, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến thăm nhiều quốc gia châu Phi trong tuần này. Ngoài Benin, Tổng thống Pháp còn đến Cameroon và Guinea Bissau. Đây là những bước đầu tiên của phương Tây trong lúc tìm đường trở lại châu Phi.

Tại Cameroon, ông Macron giải thích lệnh trừng phạt của phương Tây là nhắm vào Nga chứ không phải châu Phi và sự ảnh hưởng đến khu vực này là điều không mong muốn.

Tổng thống Macron cam kết “Pháp sẽ hỗ trợ các nước châu Phi đối mặt với những cú sốc do chiến tranh ở Ukraine gây ra, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp châu Phi nhằm tăng sản lượng lương thực”, nhưng ông không nói rõ châu Âu sẽ dành bao nhiêu tiền cho kế hoạch đầu tư này.

Tuần trước, bà Samantha Power, lãnh đạo Cơ quan về phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) đã thăm 2 nước Kenya, Somalia. Tại khu vực Đông Phi, bà Power cho biết Mỹ cam kết viện trợ để giúp khu vực này chống nạn đói nghiêm trọng do hạn hán từ nhiều năm nay.

Trong tuần tới, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield sẽ thăm Ghana và Uganda.

William Gumede, giám đốc tổ chức quảng bá quản trị tốt Democracy Works, nói: “Các chuyến đi này giống như Chiến tranh lạnh mới đang diễn ra ở châu Phi, nơi mà các phe đối đầu đang cố gắng giành ảnh hưởng”.

Nga cáo buộc phương Tây gây tăng giá lương thực

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng vừa hoàn tất chuyến thăm nhiều nước châu Phi, cam kết quan hệ hữu nghị và đổ lỗi cho phương Tây gây ra sự tăng giá lương thực toàn cầu.

Ông Lavrov nói: “Tình hình Ukraine có tạo thêm tác động tiêu cực lên các thị trường lương thực, nhưng không phải do chiến dịch đặc biệt của Nga, mà do phản ứng không thích đáng của phương Tây khi công bố các trừng phạt đối với Nga”.

Chuyến thăm của ông Lavrov đến Ai Cập, Congo, Uganda và Ethiopia. Tại Uganda ngày 26.7, ông nhắc đến mong muốn của châu Phi là có tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế và Liên Hợp Quốc. Ông kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để các nước châu Phi có thể nắm giữ các ghế thường trực.

Ông Lavrov được Tổng thống Uganda Yoweri Museveni tiếp đón trọng thị, đề cao quan hệ lâu năm với Nga, và ông Museveni nói ông không có lý do gì để chỉ trích Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Khi cuộc chiến này vừa mở màn, ông Museveni dù là đồng minh của Mỹ vẫn nói bóng gió rằng có thể hiểu được các ý định của Tổng thống Nga Vladimir Putin, vì Ukraine thuộc tầm ảnh hưởng của Nga.

Theo AP, vào lúc xảy ra dịch COVID-19, Tổng thống Museveni, 77 tuổi, luôn đeo khẩu trang, nhưng ông lại không đeo khi tiếp đón ông Lavrov lúc đứng trước các phóng viên ảnh, có vẻ như muốn thể hiện sự chào đón nồng nhiệt dành cho ông Lavrov. Một ngày sau, ông Museveni lại đeo khẩu trang ở một sự kiện khác.

Nói chuyện với các nhà ngoại giao châu Phi và báo giới sau khi kết thúc chuyến công tác ở châu Âu ở Ethiopia hôm 27.7, ông Lavrov cũng nói đa số các nước không ủng hộ phương Tây trừng phạt Nga, với “dẫn chứng hiển nhiên từ thực tế là ngoài vài quốc gia, thì không nước nào ở châu Phi, châu Á hoặc Mỹ Latinh chịu ủng hộ phương Tây".

Anton Harber, Giáo sư khoa báo chí, Đại học Witwatersrand (Nam Phi) nói: “Đối với Nga, điều quan trọng là đạt được tầm ảnh hưởng lâu dài ở châu Phi. Họ trông thấy một vùng đất màu mỡ để gieo ảnh hưởng và dĩ nhiên các lá phiếu ở LHQ là quan trọng”.

Châu Phi - mảnh đất màu mỡ để gây ảnh hưởng

Phần lớn các nước châu Phi giữ quan điểm trung lập về cuộc chiến tại Ukraine do vẫn còn mua lương thực từ cả Ukraine và Nga. Dù vậy, phương Tây và nhất là Nga nhìn thấy tiềm năng có thể khiến châu lục này ngả về họ nhiều hơn, nếu họ có thể cung cấp những hàng hóa mà châu Phi cần. Đó là phân bón và lương thực, hai thứ quan trọng hàng đầu mà nhiều nước châu Phi đang chật vật tìm kiếm, chỉ cần đảm bảo nguồn cung ổn định và chưa nghĩ đến việc có đủ số lượng.

Mối quan hệ giữa Nga với châu Phi được củng cố thông qua việc Nga đầu tư vào lĩnh vực mỏ, cho vay tài chính và bán nông cụ hoặc công nghệ hạt nhân.

Vài tuần trước, nhiều nhà lãnh đạo châu Phi cũng đã thăm Moscow để bày tỏ sự lo ngại về lương thực, vào lúc nạn hạn hán trầm trọng suốt mấy chục năm đe dọa xảy ra nạn đói.

Hiện tại, hàng trăm triệu người ở châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng giá lương thực tăng cao, thậm chí có vài trường hợp thiếu nguồn lương thực do Hạm đội Biển Đen của Nga bao vây các cảng biển Ukraine, khiến hàng chục triệu tấn ngũ cốc bị kẹt ở Ukraine và càng đẩy cao tình trạng gián đoạn nguồn cung ứng, theo AP.

Bài liên quan
Thế giới có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay?
Không thể đánh giá thấp tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu đang diễn ra do ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga và phương Tây chạy đua giành ảnh hưởng ở châu Phi