Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, dứt khoát trong 5-10 năm tới phải tạo đột phá về hạ tầng giao thông Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, nếu không sẽ không phát triển được.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Không tạo đột phá về hạ tầng giao thông sẽ không phát triển được

Hoài Lam | 27/08/2022, 12:05

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, dứt khoát trong 5-10 năm tới phải tạo đột phá về hạ tầng giao thông Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, nếu không sẽ không phát triển được.

Sáng 27.8, tại hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, giàu tài nguyên nhưng vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước.

Ông Phong nhấn mạnh, cần đổi mới tư duy về liên kết vùng: Các địa phương cần xác định "tư duy liên kết" chính là bộ phận không thể tách rời của “tư duy phát triển”; liên kết là phát triển và muốn phát triển phải liên kết.

“Mỗi địa phương xác định là một mắt xích quan trọng trong vùng; một mắt xích riêng lẻ rất yếu nhưng khi liên kết lại sẽ trở thành một sợi dây xích khỏe, đủ sức vận hành cả cỗ máy”, ông Phong nói.

Ngoài ra, lựa chọn liên kết hạ tầng là trọng tâm, với hạ tầng giao thông làm khâu đột phá: Trong đó thay đổi cách thức định hướng quy hoạch giao thông (đường bộ, cao tốc, tiền cao tốc; cảng hàng không; ga đường sắt...) theo hướng mở, linh động; giảm sâu thời gian, chi phí lưu thông hàng hóa nội vùng, ngoại vùng…

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, vùng này còn khó khăn chủ yếu là do giao thông kết nối còn hạn chế.

Đường bộ, đường sắt còn nhỏ hẹp. Về đường hàng không có Cảng hàng không Điện Biên nhưng đang khai thác hạn chế, Cảng hàng không Nà Sản xuống cấp nên đã tạm dừng khai thác; mạng lưới đường tỉnh có quy mô và chất lượng thấp.

nn-1.jpg
Các đại biểu tham gia hội nghị

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, dứt khoát trong 5-10 năm tới phải tạo đột phá về hạ tầng giao thông, nếu không thì sẽ không phát triển được.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, cần tập trung nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm tạo động lực tăng trưởng cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Bài toán là phải làm sao thu hút được nguồn lực, kết hợp nguồn vốn Trung ương và địa phương, kêu gọi nguồn lực đầu tư từ xã hội, mời các nhà đầu tư tư nhân đầu tư dự án quan trọng, ví dụ sân bay.

Chia sẻ về định hướng sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, phải phát triển đường cao tốc. Trong đó, nâng cấp cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đặc biệt là đoạn Yên Bái - Lào Cai, để hình thành được một con đường kết nối toàn vùng; nghiên cứu cao tốc Mộc Châu - Điện Biên, Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Hà Giang…, các tuyến đường kết nối với cảng Lạch Huyện, kết nối với các cửa khẩu quốc tế nhằm kết nối giao thương. Đồng thời, hình thành được trục xương sống kết nối cảng biển, kết nối Trung Quốc và các địa phương trong vùng.

Theo Bộ trưởng Thể, kết nối hàng không cũng rất quan trọng. Nên hình thành nên sân bay có thể đi bất cứ nơi đâu, sang Âu, sang Mỹ…

Theo Bộ trưởng, như vậy là hiện đã có 3 sân bay, sắp tới có thể quy hoạch thêm 2 sân bay nữa, để hình thành phát triển hệ thống sân bay cho Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Nếu có sân bay, các nhà đầu tư lớn như Samsung cũng có thể tới đây, tạo sự đột phá rất lớn cho kinh tế - xã hội của vùng.

Cũng chia sẻ vấn đề hạ tầng giao thông, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) nêu ví dụ điển hình là tuyến Cao tốc Nội Bài – Lào Cai, được thông xe vào tháng 9 năm 2014.

Trước dự án đường cao tốc này, đã có Quy hoạch tổng thể phát triển đường cao tốc giai đoạn 2007-2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như một phần của quy hoạch tổng thể này, Chính phủ đã yêu cầu một khoản vay của ADB trị giá gần 1,1 tỉ USD để xây dựng dự án đường cao tốc.

Đây là ví dụ cụ thể về một khoản đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng giao thông để cải thiện hành lang giao thông mà qua thời gian đã cho thấy sự gia tăng đáng kể các hoạt động kinh tế, đầu tư, và cơ hội kinh tế ở Lào Cai cũng như các tỉnh khác, với một số hiệu ứng lan tỏa tiếp nối.

Khoản đầu tư cho đường cao tốc đã rút ngắn thời gian đi lại từ hơn 10 giờ xuống còn 4 giờ. Không chỉ rút ngắn thời gian đi lại, mà còn giảm đáng kể chi phí vận tải từ 20 đến 30%, và lượng hàng hóa và hành khách lưu thông trên tuyến hành lang này cũng đã gia tăng đáng kể. Các hoạt động đầu tư thêm để mở rộng những con đường kết nối với tuyến cao tốc này đã giúp tăng hơn nữa tính kết nối liên thông và giúp lan tỏa những lợi ích hữu hình từ tuyến đường này rộng rãi hơn.

nn-3.jpg
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB)

Ngoài ra, đại diện ADB cũng cho hay thu nhập bình quân đầu người cũng đã tăng lên đáng kể. Lào Cai đã tăng mức thu nhập bình quân đầu người từ 360 USD/người trong năm 2008 lên tới 1.939 USD/người trong năm 2016; tương đương mức tăng gấp 5 lần. Vĩnh Phúc tăng từ 890 USD lên 3.185 USD, tương đương 3,5 lần. Phú Thọ tăng gấp ba, từ 420 USD lên tới 1.341 USD; và Yên Bái tăng từ 360 USD lên 1.228 USD, bằng 3,4 lần. Tỷ lệ nghèo chung của vùng đã giảm từ 51,9% trong năm 2004 xuống còn 15% vào năm 2016.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập và việc làm trong vùng cũng đã tăng trung bình 128% so với mục tiêu là 70%. Kim ngạch thương mại xuyên biên giới hàng năm đã tăng từ 477 triệu USD năm 2006 lên tới hơn 800 triệu USD năm 2016.

“Tất cả sự tăng trưởng này là nhờ rất nhiều yếu tố có liên quan tới nhau. Nhưng tuyến đường cao tốc có vai trò xúc tác, và là ví dụ về việc tạo ra hoặc cải thiện một hành lang giao thông – nhưng với tầm nhìn rộng hơn của chính phủ – để tạo ra một hành lang giao thông giúp phát triển một hành lang kinh tế”, ông Andrew Jeffries nói.

Bài liên quan
Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với tỉnh Đồng Nai về vấn đề an toàn giao thông
Sáng 11.4, đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023” đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Không tạo đột phá về hạ tầng giao thông sẽ không phát triển được