Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm thứ ba cho biết Washington đang trông cậy vào các đối tác châu Á để giúp kiềm chế một Trung Quốc ngày càng khoe cơ bắp. Trong lúc đó, hai trong số các tàu chiến uy lực nhất của Hải quân Mỹ đã tập trận với các đồng minh ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nêu 3 trụ cột để kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông

22/07/2020, 18:53

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm thứ ba cho biết Washington đang trông cậy vào các đối tác châu Á để giúp kiềm chế một Trung Quốc ngày càng khoe cơ bắp. Trong lúc đó, hai trong số các tàu chiến uy lực nhất của Hải quân Mỹ đã tập trận với các đồng minh ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Nhóm tác chiến của 2 tàu sân bay Mỹ

Bộ trưởng Esper cáo buộc Bắc Kinh đã o ép các quốc gia trên khắp Thái Bình Dương, tước đoạt quyền đánh bắt cá và hàng nghìn tỉ USD dầu khí của các nước có chủ quyền trên Biển Đông. Ông cũng cáo buộc Trung Quốc "coi thường các cam kết quốc tế".

"Không có gì nhầm lẫn, giới cầm quyền Bắc Kinh đã tham gia vào loại hành vi này trong nhiều năm", người đứng đầu Lầu 5 góc nói. "Nhưng ngày nay, ý định thực sự đó được thể hiện đầy đủ cho tất cả mọi người thấy".

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho biết Washington đã sẵn sàng duy trì cam kết duy trì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, dựa trên chiến lược ba trụ cột để thực hiện: chuẩn bị chu đáo, tăng cường quan hệ đối tác và thúc đẩy một khu vực có kết nối nhiều hơn".

Theo ông Esper, quan hệ đối tác là rất quan trọng và ông gọi chúng là "một mạng lưới chiến lược mà đối thủ của chúng ta không thể sánh được” khi đề cập đến khu vực xung quanh Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Ở biển Philippines, nhóm tác chiến của tàu sân bay USS Ronald Reagan đang cùng các tàu chiến của Úc và Nhật Bản tham gia tập trận chung.

Và tại Ấn Độ Dương, nhóm tác chiến của tàu sân bay USS Nimitz đã cùng bốn tàu chiến Ấn Độ để thực hành liên lạc và diễn tập phòng không.

"Tôi muốn làm nổi bật sự phát triển trong hợp tác quốc phòng của chúng tôi với Ấn Độ, một trong những mối quan hệ quốc phòng quan trọng nhất của thế kỷ 21", ông Esper nói.

Bên cạnh Ấn Độ và các đồng minh lâu năm của Mỹ là Nhật Bản và Úc, Esper đã liệt kê ra một danh sách dài các quốc gia châu Á đang hợp tác với Mỹ về các vấn đề an ninh quân sự và hàng hải.

Danh sách này gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam, những quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông nhưng đang bị Trung Quốc coi là sân sau bất chấp luật pháp quốc tế.

Ông Esper cho biết không chỉ các đồng minh và đối tác của Mỹ tăng cường hợp tác với Washington, họ còn hợp tác với nhau. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã trích dẫn một thỏa thuận tiếp cận căn cứ quân sự gần đây giữa Úc và Ấn Độ.

Hải quân Ấn Độ đã đề cập đến loại hợp tác trên với Úc trong tweet thông báo về các cuộc tập với Hải quân Mỹ. Các tàu chiến Ấn Độ gần đây đã hoàn thành các cuộc tập trận tương tự với hải quân Nhật Bản và Pháp.

Trong khi các đối tác Mỹ đưa khí tài đến tham gia các cuộc tập trận, họ cũng lên tiếng mạnh dạn hơn về những gì họ thấy là một Trung Quốc hiếu chiến hơn.

Trong Sách trắng quốc phòng hàng năm được phát hành trong tháng này, Nhật Bản cho biết Trung Quốc đã tiếp tục gây áp lực xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, đồng thời điều thêm tàu ​​và máy bay thực hiện các nhiệm vụ xung quanh khu vực Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Tokyo gọi đây là "một vấn đề nghiêm trọng". Sách Trắng của Nhật cũng chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Trung Quốc đang thúc đẩy việc quân sự hóa, cũng như mở rộng và tăng cường các hoạt động của mình trên biển và trên không, để từ đó tiếp tục nỗ lực đơn phương để thay đổi hiện trạng bằng sức mạnh", Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản nêu.

Ấn Độ cũng lên tiếng mạnh dạn hơn

Ấn Độ cũng đã có nhiều tiếng nói hơn về vấn đề Biển Đông, mặc dù không giống như Nhật Bản, chính quyền New Dehli không thường xuyên triển khai lực lượng quân sự ở đó. Ấn Độ không có chủ quyền ở Biển Đông, nhưng giống như nhiều quốc gia, họ có lợi ích gắn liền các tuyến hàng hải bận rộn trong và xung quanh Biển Đông.

Hai lần vào tháng 5, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã đưa ra tuyên bố khẳng định rằng vùng biển của Biển Đông là một điểm chung toàn cầu cần tuân theo các quy tắc tự do hàng hải.

"Không có gì mới về quan điểm, nhưng giọng điệu và ngôn từ của tuyên bố cho bạn biết rằng Ấn Độ sẽ cất tiếng lớn hơn về những gì đang xảy ra ở Biển Đông", Abhijit Singh, một thành viên cao cấp và là người đứng đầu Sáng kiến ​​chính sách hàng hải thuộc Quỹ nghiên cứu quan sát ở New Delhi.

Vào tháng 4, Philippines đã ban hành "tuyên bố đoàn kết chưa từng có" với Việt Nam sau khi một tàu cá Việt Nam bị đánh chìm bởi các tàu được cho là Cảnh sát biển Trung Quốc.

"Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế phát ra từ Bộ Ngoại giao (Philippines)," nhà phân tích Richard Javad Heydarianthuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.

Tiếp đến đầu tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã chính thức từ chối "hầu hết" các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc.

Trước đó, Washington đã gửi thông điệp bằng cách triển khai nhóm tác chiến của 2 tàu sân bay Nimitz và Reagan đến khu vực. Đây là lần đầu tiên sau 6 năm, hai tàu sân bay Mỹ tề tựu cùng lúc trên Biển Đông. Đầu tuần này, hai nhóm tác chiến lại tiếp tục nối lại tập trận trên Biển Đông như khẳng định một lần nữa thái độ của Mỹ tại Biển Đông.

Một tuyên bố của Hải quân Hoa Kỳ tại thời điểm đó gần giống như tinh thần thông điệp mà Esper vừa truyền tải vào hôm qua.

Khi đó, hạm đội 7 ra tuyên bố: "Nimitz và Reagan tạo thành lực lượng chiến đấu nhanh chóng và hiệu quả nhất trên thế giới, ủng hộ cam kết của Hoa Kỳ đối với các thỏa thuận quốc phòng chung với các đồng minh và đối tác trong khu vực, và thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nêu 3 trụ cột để kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông